Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:46 (GMT +7)
Đại lễ Phật đản tại chùa Ba Vàng
Thứ 2, 22/05/2023 | 19:40:23 [GMT +7] A A
Vừa qua, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí) đã long trọng tổ chức đại lễ Phật đản năm 2023 (Phật lịch 2567) và khánh thành toà đại giảng đường Phật giáo trên núi lớn nhất thế giới.
Tham gia đại lễ, về phía Giáo hội Phật giáo (GHPG) có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam; Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự và đông đảo chư tôn đức GHPG Việt Nam; đại diện các giáo hội đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Lào, Nepal, Myanmar, Bhutan, Sri Lanka, Thái Lan, các chùa, tự viện trong và ngoài tỉnh. Về phía lãnh đạo, chính quyền các cấp có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các địa phương cùng đông đảo phật tử, du khách gần xa.
Chương trình diễn ra với một chuỗi những hoạt động như: Màn múa rồng lân, trống hội, văn nghệ chào mừng; các nghi lễ nhân ngày Phật đản sinh, như dâng hương, tụng kinh Khánh đản, dâng nước tắm Phật…
Tại đây, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam tuyên đọc thông điệp về Phật đản của Đức pháp chủ GHPG Việt Nam, cùng ôn lại sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, là cơ hội để mọi người chiêm nghiệm, sống theo lời dạy chân thực, có giá trị vượt thời gian của Ngài. Những lời dạy đó gợi ý các giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc thực sự cho con người và sự phát triển bền vững cho xã hội. Hòa thượng kêu gọi tăng ni, phật tử tiếp tục làm nhiều việc thiện, góp phần phụng sự nhân sinh, gìn giữ lối sống tốt đời đẹp đạo…
Nhân dịp này, nhà chùa đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành tòa đại giảng đường, một trong những công trình lớn được đầu tư xây dựng trong tổng thể các công trình của chùa Ba Vàng, vừa hoàn thiện vào năm 2022.
Lễ Phật đản là một trong 3 ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo. Đây là dịp kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra ở thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Từ năm 1999, ngày lễ Phật đản đã được Liên hiệp quốc công nhận là một ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Ở Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, lễ Phật đản cũng được tổ chức ở nhiều chùa, tự viện trong cả nước vào dịp tháng 4 Âm lịch. Các hoạt động này đều tuân thủ theo phương châm “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo Việt Nam, theo đó đạo đã đi vào đời chung tay xây dựng giáo hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.
|
Theo thông tin do nhà chùa cung cấp, chùa Ba Vàng có tên chữ là Bảo Quang Tự, được xây dựng năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm 1706. Trải qua bao thăng trầm biến thiên của thời gian và lịch sử, đã khiến cho chùa xưa không còn. Năm 1993, chùa được nhân dân dựng tạm trên nền cũ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của bà con nhân dân địa phương.
Năm 2007, chùa được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - danh thắng cấp tỉnh. Ngày 30/10/2009, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo chùa Ba Vàng. Ngày 1/1/2011, chùa Ba Vàng đã chính thức đặt đá xây dựng giai đoạn 1. Trải qua hơn 3 năm thi công, ngày 9/3/2004 khánh thành đại hùng bảo điện chùa và đón nhận kỷ lục ngôi chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương. Nối tiếp đó, gần đây giai đoạn 2 của chùa tiếp tục được xây dựng, gồm các hạng mục toà đại giảng đường với tổng kinh phí xây dựng gần 300 tỷ đồng cùng một số hạng mục khác, như: Đại trai đường, nhà bếp, khu nhà phật tử, cầu vàng, tượng đài Phật đản sinh…
Trong đó, toà đại giảng đường được khởi công xây dựng từ năm 2016 đến nay đã hoàn thành. Công trình được thiết kế 2 tầng với tổng diện tích mặt sàn trên 11.900m2, cao gần 32m, dài gần 91m, rộng gần 72m, có sức chứa trên 10 ngàn người. Công trình được thiết kế với 2 tầng mái, trong đó mái hạ với 4 mái đao truyền thống, mái thượng được thiết kế theo kiến trúc mái vòm, đỉnh là biểu tượng hoa sen. Tầng 1 công trình được thiết kế cung thờ đức Phật nhập niết bàn, với tượng Phật được chế tác bằng đá hoa cương nguyên khối. Tầng 2 là nơi truyền giảng phật pháp cho tăng, ni, phật tử và giới trẻ về chùa tu học. Công trình có nhiều nét độc đáo về hình dáng, kiến trúc, trang trí cũng như kỹ thuật xây dựng…
Cùng với việc cắt băng khánh thành, dịp này chùa cũng đón nhận kỷ lục Ngôi chùa sở hữu đại giảng đường Phật giáo trên núi lớn nhất thế giới, do Liên minh Kỷ lục thế giới WorldKing xác lập vào ngày 20/3/2023 và Hiệp hội Kỷ lục thế giới WRA xác lập vào ngày 6/3/2023. Trước đó, ngôi đại giảng đường này cũng đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings Ghi nhận kỷ lục Việt Nam vào tháng 2/2022, Tổ chức kỷ lục Châu Á xác lập kỷ lục vào tháng 4/2022.
Tọa lạc ở độ cao trên 300m so với mực nước biển, phía trước là sông, phía sau là núi, hai bên là rừng thông xanh tươi, với nhiều công trình khang trang, được quan tâm đầu tư chăm lo, chùa Ba Vàng đã và đang trở thành một điểm đến của du khách gần xa, gắn kết cùng các di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển kinh tế, xã hội nói chung, TP Uông Bí nói riêng.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, dịp này chùa Ba Vàng đã tổ chức các chương trình văn nghệ, hoạt động múa đồng diễn, diễu hành xe hoa kính mừng Phật đản, tạo nên một không khí vừa trang nghiêm vừa sôi nổi trong dịp đại lễ Phật đản năm nay.
Xin giới thiệu thêm một số hình ảnh về đại lễ Phật đản 2023 vừa diễn ra tại chùa Ba Vàng:
Phan Hằng – Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()