Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:34 (GMT +7)
Đại hội XIII của Đảng: Đại biểu đề xuất các giải pháp phát triển đất nước
Thứ 4, 27/01/2021 | 19:03:19 [GMT +7] A A
Ngày 27/1, ngày làm việc thứ ba của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII), các đại biểu làm việc tại hội trường, tham gia thảo luận các văn kiện đại hội, đề xuất các giải pháp phát triển đất nước.
Quang cảnh ngày làm việc thứ ba Đại hội XIII của Đảng |
Trong buổi sáng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Đã có 12 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các Đảng bộ, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, cơ quan phát biểu ý kiến.
Buổi chiều, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. 11 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các Đảng bộ, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, cơ quan phát biểu ý kiến.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận. |
Trong không khí nghiêm túc, tập trung, phiên thảo luận tại hội trường đã diễn ra thẳng thắn và đầy trách nhiệm, bám sát các gợi ý của Đoàn Chủ tịch.
Các tham luận đều tham gia sâu sắc, chất lượng, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng theo các trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…
Tiêu biểu như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham luận về vấn đề "Tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tham luận về vấn đề "Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại".
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính tham luận về vấn đề "Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước".
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham luận về vấn đề "Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025"...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương tham luận về vấn về đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng Công an nhân dân |
Tham luận về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho những thành công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Yếu tố tiên quyết là bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc," khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên. Đồng chí cũng nhắc lại lời dạy của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc," “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tham luận tại Đại hội |
Tham gia Đại hội, Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thể hiện tinh thần nhất trí cao với Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về các văn kiện Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày trước Đại hội. Đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo bài tham luận góp phần làm rõ thêm về nội dung “Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh”
Kết thúc ngày làm việc thứ ba Đại hội XIII của Đảng, các đại biểu đánh giá: Văn kiện trình đại hội được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, sự chủ động đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân.
Một số ý kiến đánh giá cao các điểm mới nổi bật trong dự thảo văn kiện lần này, đó là xác định cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới; dự báo tình hình thế giới và khu vực; nêu hệ quan điểm chỉ đạo; cách tiếp cận xác định mục tiêu; nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; xác định nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế trên các lĩnh vực; xác định nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cùng các đại biểu tham dự Đại hội tại phiên thảo luận. |
Trước đó, các nội dung đã được thảo luận tại tổ vào chiều hôm qua, 26/1, trước khi chính thức đưa ra thảo luận tại hội trường.
Ngày mai, 28/1, Đại hội sẽ tiếp tục các phiên thảo luận, tham gia vào dự thảo văn kiện đại hội, tập trung vào mục tiêu phát triển tổng quát trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Đó là, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tham dự Đại hội |
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()