Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:49 (GMT +7)
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV
Thứ 7, 09/11/2024 | 13:06:05 [GMT +7] A A
Sáng 9/11, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV-2024.
Tham dự Đại hội có các đồng chí: Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Vũ Đại Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng với sự tham gia của 250 đại biểu chính thức đại diện cho trên 162.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV có chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đây là sự kiện chính trị - xã hội có ý nghĩa to lớn, là dịp để đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới giai đoạn 2019-2024; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2025-2030. Qua đó, tạo động lực để đồng bào các DTTS tiếp tục vươn lên xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
Đại hội là dịp tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong phát triển KT-XH, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, bảo đảm vững chắc QP-AN vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng để nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân, của đồng bào các DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Trên địa bàn tỉnh có 43 dân tộc cùng sinh sống, gồm dân tộc Kinh và 42 DTTS với 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, tạo nên cộng đồng đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Với phương châm lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển của tỉnh, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong mọi giai đoạn phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Từ Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III (năm 2019) đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN ở vùng đồng bào DTTS, miền núi; huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS. Nổi bật như việc xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Thông qua những chính sách, dự án, biện pháp cụ thể gắn với sự nỗ lực vươn lên từ ý chí, nghị lực của đồng bào các dân tộc, góp phần thúc đẩy KT-XH vùng DTTS, miền núi ngày càng phát triển. Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt 73,348 triệu đồng/người/năm (cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước), góp phần thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về “thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương và tỉnh đã xây dựng, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao gấp 1,4 lần chuẩn nghèo theo quy định của Trung ương về tiêu chí thu nhập.
Kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại. Bản sắc văn hoá luôn được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và phát triển về mọi mặt; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc luôn được tăng cường tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng, ý thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về thực hiện công tác dân tộc. Quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi được củng cố vững chắc, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững... Phần lớn đồng bào các DTTS đã có chuyển biến về nhận thức, có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh...
Tham luận tại Đại hội, các tập thể, cá nhân điển hình đã tập trung phân tích, đánh giá các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc trong trường học ở vùng đồng bào DTTS; kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác trong vùng đồng bào DTTS...
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt biểu dương ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của đồng bào các DTTS đã chung sức, đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng DTTS, miền núi, góp sức cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.
Tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các DTTS tỉnh quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu cao hơn, to lớn hơn, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024-2029.
Đồng chí đề nghị: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc.
Cùng với đó, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Kết hợp phát triển KT-XH với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng biên giới. Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS, miền núi, nhất là ở các xã vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS...
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tin tưởng tỉnh Quảng Ninh sẽ có những bước phát triển đột phá, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trân trọng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, những thành tích mà cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các DTTS của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Những kết quả đó đã đóng góp rất tích cực, quan trọng vào thành tựu phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn 2019-2024.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen, nhất là hiện nay vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh, bởi vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu vật nuôi, cây trồng phát triển các mô hình sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong vùng đồng bào DTTS, miền núi trên cơ sở các bài học kinh nghiệm quý báu rút ra sau cơn bão số 3 lịch sử.
Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH chiến lược đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng đồng bào DTTS và miền núi; chú trọng khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược, đồng bộ đã và đang hoàn thành để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, nội vùng, hình thành nên các vùng động lực, hành lang phát triển mới để thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các DTTS toàn tỉnh; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần yêu nước, chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của cán bộ, đảng viên, đồng bào các DTTS. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS và miền núi trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy tốt vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tiếp tục giữ gìn tình yêu thương, đùm bọc, gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, chung sức, đồng lòng xây dựng thôn làng, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, mọi người dân đều có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tại Đại hội, 5 cá nhân được trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc"; 1 tập thể, 5 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; 28 tập thể và 44 cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2024 được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()