Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:05 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh thảo luận về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Thứ 6, 28/06/2024 | 18:43:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 28/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo một số luật quan trọng.
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, đối với quy định về giấy phép khai thác khoáng sản để phù hợp với khoản 26, điều 3 về giải thích từ ngữ, công suất khai thác là khối lượng khoáng sản tối đa có thể khai thác được trong cùng trong một khoảng thời gian nhất định theo dự án đầu tư khai thác, cần điều chỉnh nội dung trong giấy phép khai thác khoáng sản là công suất khai thác phương án để phù hợp với điều kiện thực tế của các dự án khai thác đầu tư thống nhất đồng bộ với thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Đối với quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư cho khu kinh tế thực hiện tại địa bàn có điều kiện xã hội khó khăn hoặc các địa bàn khác là không quá 70 năm, đại biểu đề nghị thời hạn khai thác xây dựng cơ bản, thời gian khai thác và thời gian đóng cửa mỏ được xác định là không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.
Tại điều 65 về giám đốc điều hành mỏ, có quy định khai thác khoáng sản phải có giám đốc điều hành mỏ và giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành một giấy phép khai thác khoáng sản. Theo đại biểu thì quy định này sẽ gây bất cập bởi thực tế thời gian vừa qua tình trạng trong một mỏ thì có nhiều giấy phép khai thác sẽ nhiều giám đốc điều hành, gây khó khăn trong công tác tổ chức quản lý và triển khai các thủ tục. Vì vậy, đại biểu đề nghị khai thác khoáng sản phải có giám đốc điều hành mỏ và giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành một mỏ khai thác khoáng sản trừ trường hợp quy định, chứ không phải đây là một giấy phép khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị bổ sung làm rõ nội dung quy định về trách nhiệm quyền hạn của giám đốc điều hành mỏ như quy định giám đốc điều hành mỏ khai thác hầm lò phải có bằng kỹ sư hoặc tương đương chuyên ngành khai thác mỏ hoặc xây dựng mỏ với thời gian làm việc trong lĩnh vực khai thác tại hầm lò ít nhất là 5 năm. Quy định này chưa phù hợp với thực tế đặc thù công việc của kỹ sư khai thác mỏ trong đó chủ yếu tham gia vào quản lý thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn kỹ thuật và một phần tham gia trực tiếp khai thác. Do đó cần điều chỉnh thành giám đốc điều hành khai thác mỏ lộ thiên phải có bằng kỹ sư tương đương với chuyên ngành khai thác mỏ, thời gian làm việc trong lĩnh vực khai thác tại mỏ lộ thiên ít nhất là ba năm. Trường hợp kỹ sư địa chất hoặc tương đương phải được đào tạo bồi dưỡng về kỹ thuật khai thác mỏ và có thời gian làm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mỏ nội thiên ít nhất là 5 năm.
Cùng cho ý kiến vào dự thảo luật này, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng dự thảo luật có một số bất cập cần phải được làm rõ và cụ thể phù hợp hơn về lập quy hoạch ngành chiến lược quốc gia về khoáng sản. Trong đó, dự thảo luật quy định lập chiến lược địa chất khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thay cho chiến lược khoáng sản đang quy định tại luật Khoáng sản hiện hành thẩm quyền lập chiến lược do Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan để lập chiến lược. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các bộ trong việc phối hợp lập chiến lược này.
Dự thảo luật cũng cần phải quy định để giải quyết được một số vấn đề bất cập hiện nay tại một số tỉnh có tình trạng thiếu đất để đầu tư hạ tầng, nhưng đất quy hoạch khoáng sản thì nhiều năm không sử dụng; có sự trồng lấn giữa các quy hoạch điều chỉnh, mất rất nhiều thời gian. Như tại Quảng Ninh thì các mỏ than đang khai thác với diện tích sử dụng khoảng 11.000ha nhưng diện tích để quy hoạch thì vào khoảng trên 50.000ha gấp gần 5 lần diện tích cần phải sử dụng để hoạt động khoáng sản và thời gian thực hiện đến năm 2030. Do đó thì đại biểu đề nghị cần phải có các quy định để giải quyết khi cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch.
Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tán thành việc giao cho Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản nhóm 1. Tương tự, giao cho Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản với nhóm 2.
Theo đại biểu, nên giữ quy định như vậy với 3 lý do. Thứ nhất, điều này không gây xáo trộn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của nhà nước về khoáng sản. Bởi sự thay đổi này chưa cần thiết và chưa được đánh giá tác động. Hai là, quán triệt nghiêm túc theo yêu cầu của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, đến chế biến, sử dụng khoáng sản. Ba là, nếu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì lập quy hoạch thì Bộ Tài nguyên vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời là cơ quan cấp phép cho hoạt động khoáng sản.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()