Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:41 (GMT +7)
Đại biểu Quốc hội nêu giải pháp để phòng chống bạo lực gia đình
Thứ 4, 26/10/2022 | 21:40:49 [GMT +7] A A
Đại biểu Bế Minh Đức đề xuất không phải bồi thường về tài sản liên quan đến người có hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình đe doạ đến tính mạng con người.
Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây mất trật tự trị an ở địa phương, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Do đó, tại phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) diễn ra chiều 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần xây dựng đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi này.
Thông tin cần phản ánh kịp thời
Đưa ra ý kiến, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng việc ngăn chặn xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
“Kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chuẩn xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Nếu họ im lặng thì thường khó khăn khi giải quyết,” ông nói.
Từ nhận định trên, đại biểu đoàn Kon Tum đề nghị cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình.
Mặc dù việc bổ sung trách nhiệm này có thể chưa đạt kết quả, tác động lớn ngay song ông cũng cho rằng việc này sẽ làm cơ sở cho quá trình đi vào tâm thức hàng ngày của người bị bạo lực gia đình, thành viên trong gia đình, từ đó dần hình thành ý thức tự giác về trách nhiệm pháp lý, có ý nghĩa là công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
Cùng đề cập nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cho rằng để dự luật khả thi hơn cần bổ sung quy định chi tiết về trách nhiệm khắc phục hậu quả với người bị bạo lực. Vì phần lớn người bị bạo lực là người thân trong một gia đình có tài sản chung với người bạo lực nên việc giải quyết yêu cầu khi bồi thường thiệt hại chắc chắn gặp khó khăn, khó áp dụng trong thực tế.
Nữ đại biểu cũng nhấn mạnh cần thiết bổ sung trách nhiệm thông báo tin tố giác tới cơ quan chức năng về hành vi bạo lực gia đình mà mình phát hiện hoặc khi đã làm hết trách nhiệm mà không thể góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình. Đây là kênh thông tin quan trọng góp phần thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp để chống bạo lực gia đình.
Tránh chây ì, kéo dài thời gian
Hậu quả của mỗi hành vi bạo lực gia đình dù trực tiếp hay gián tiếp đều tác động và ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội, để lại những hậu quả nghiêm trọng về cả sức khỏe thể xác lẫn tinh thần cho người bị bạo hành.
Vì vậy, góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh thêm về các biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Ông cho rằng quy định về việc được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc, nếu người có hành vi bạo lực không đến thì Công an xã có trách nhiệm đưa người đến trụ sở công an. Thời gian yêu cầu là không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu, tức là giữa lại trụ sở không quá 6 giờ, so với luật hiện hành, đây là biện pháp mới được bổ sung.
Vị đại biểu cũng nhất trí quan điểm cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền, nhất là cơ quan công an cần can thiệp kịp thời những hành vi bạo lực gia đình để bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người bị bạo lực.
Tuy vậy, so sánh với Luật xử lý vi phạm hành chính, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, dự thảo luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lại quy định rất đơn giản, giữ lại trụ sở Công an không quá 6 giờ, không giới hạn số lần, không có quy định về thẩm quyền.
"Người có hành vi bạo lực gia đình thì Công an có trách nhiệm đưa đến trụ sở nhưng không biết Công an đưa bằng cách nào, có phải là áp giải không. Đới với đối tượng vị thành niên thì quy định thế nào? Dự thảo cũng quy định không rõ,” ông Cường nói.
Với dẫn chứng này, đại biểu đoàn Kon Tum nhấn mạnh thêm, những quy định nêu trên cần phải hết sức thận trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta đang đề cao xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân tránh việc sơ hở, lạm dụng của các quy định.
Trong khi đó, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) phân tích thời gian tối đa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã giải quyết vụ việc không quá 6 giờ.
Tuy nhiên, ngoài thời hạn trên nên bổ sung quy định thời hạn người có hành vi bạo lực gia đình có mặt ở trụ sở công an xã tính từ thời gian nhận được yêu cầu của công an xã để đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết, tránh chây ì, kéo dài thời gian thì thời hạn 12h kể từ khi người có hành vi bạo lực gia đình nhận được yêu cầu đối với trường hợp người ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Cho rằng việc người có hành vi bạo lực gia đình không chỉ gây ảnh hưởng, đe dọa đến tính mạng người bị bạo hành mà còn đe doạ đối với những người xung quanh... do đó, đại biểu đoàn Cao Bằng đề xuất đối với người tham gia phòng chống bạo lực gia đình không phải bồi thường về tài sản liên quan đến người có hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình đe doạ đến tính mạng con người./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()