Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:29 (GMT +7)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, góp ý vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Thứ 4, 28/08/2024 | 16:58:12 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, chiều 28/8, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Tham gia góp ý vào nội dung dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng tại khoản 1, điều 8 của dự thảo Luật quy định độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên là không quá 70 tuổi và miễn nhiệm “khi quá 70 tuổi” là chưa thực sự phù hợp. Do đó cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét nên quy định độ tuổi bổ nhiệm và độ tuổi miễn nhiệm cần có độ trễ trong khoảng thời gian nhất định, để đảm bảo việc hành nghề của công chứng viên sau khi được bổ nhiệm, tránh lãng phí vật chất và nguồn lực đào tạo. Có thể đề xuất quy định độ tuổi bổ nhiệm là không quá 65 tuổi.
Đối với điểm h, khoản 2, điều 16 dự thảo Luật quy định công chứng viên có nghĩa vụ “gia nhập Hội Công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó”, đại biểu đề nghị không quy định đây là nghĩa vụ bắt buộc mà chỉ quy định là quyền của công chứng viên. Đại biểu cho biết, Hiệp hội Công chứng là tổ chức xã hội nghề nghiệp được hình thành và hoạt động theo cơ chế tự nguyện tham gia của các công chứng viên.
Việc tham gia vào Hiệp hội Công chứng là tự nguyện, không bị bắt buộc và không bị giới hạn trong phạm vi địa hạt hoạt động. Hiệp hội Công chứng có thể lên danh sách các hội viên, nhưng việc họ có đóng phí hay không, có tham gia các hoạt động hay không là sự tự nguyện của các công chứng viên. Đồng thời, đề nghị bỏ quy định tại khoản 1, điều 13 của dự thảo về công chứng viên bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng khi bị xóa tên khỏi danh sách hội viên Hội Công chứng viên hoặc bị khai trừ ra khỏi hội.
Tại khoản 2, điều 43 quy định: “Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ việc công chứng ngoài trụ sở khác với việc lấy chữ ký ngoài trụ sở. Vì công chứng là cả một quy trình bao gồm: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, soạn thảo văn bản công chứng, lấy chữ ký của người yêu cầu công chứng, công chứng viên soạn thảo lời chứng, ký văn bản công chứng, đóng dấu, nộp tiền, xuất hóa đơn... Do vậy địa điểm công chứng phải là tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng theo khoản 1 Điều 43. Còn việc lấy chữ ký của người yêu cầu công chứng có thể thực hiện ngoài trụ sở theo như quy định tại khoản 2 Điều 43 dự thảo Luật. Do vậy, cũng cần thay cụm từ “việc công chứng” bằng cụm từ “việc lấy chữ ký” tại khoản 2 Điều 43 dự thảo Luật.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()