Tất cả chuyên mục

Chiều 12/7, Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XIII đã tiến hành phiên thảo luận tại 5 tổ. Với trách nhiệm cao trước cử tri, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng phát triển 6 tháng cuối năm, nêu được các vấn đề thiết thực, cụ thể về các chính sách, đáp ứng được những mong muốn, nguyện vọng của cử tri, nhân dân gửi đến HĐND tỉnh.
Quan tâm vấn đề môi trường
![]() |
Các đại biểu thảo luận tại Tổ thảo luận TP Uông Bí, huyện Vân Đồn và huyện Hải Hà. |
Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm thảo luận các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể để triển khai chủ đề công tác năm về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”. Nhiều đại biểu cho rằng trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh và các địa phương đã nỗ lực thực hiện và có những giải pháp cụ thể, hiệu quả về công tác bảo về; đề ra các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý tài nguyên. Đại biểu Nguyễn Thị Hạnh, Tổ Hoành Bồ đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là siết chặt, tăng cường kiểm tra các cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là các đơn vị khai thác đá làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường phát triển du lịch.
Đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế cũng cho rằng: Tình trạng xe chở vật liệu xây dựng, đất cát vẫn diễn ra phức tạp ảnh hưởng đến môi trường. Do đó cần có chế tài cụ thể phù hợp để lập lại kỷ cương trật tự, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.
Liên quan đến nội dung thực hiện chủ đề công tác năm 2018 về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị các địa phương cần chú ý đến hoạt động xóa bỏ các lò vôi thủ công để vừa phải bảo đảm môi trường song hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến vấn đề sinh kế của người dân. Đồng chí cũng đề nghị HĐND cần họp bàn, đề ra những giải pháp tính toán hợp lý hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp, đảm bảo đời sống nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cũng đề nghị cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường từ các hộ gia đình, đặc biệt là việc rà soát, hỗ trợ việc xây dựng đồng bộ các nhà vệ sinh khu vực đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn; xem xét, có giải pháp đối với việc xử lý nước thải tại các đô thị. Tỉnh nghiên cứu có phong trào xây dựng gia đình văn hoá...
Phát tại tổ thảo luận số 3 về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đối với các mỏ cần đóng cửa để đảm bảo phát triển bền vững mà chưa hết thời hạn khai thác thì tỉnh để đền bù; không cấp phép khai thác sét cho các nhà máy gạch, chủ trương dùng cát nhân tạo trong xây dựng...
Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Trong chiều 12/7, các tổ đều sôi nổi thảo luận các nội dung theo sự gợi ý của Chủ tịch HĐND tỉnh. Trong đó, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp hữu hiệu để phát huy đà tăng trưởng GRDP năm 2018 đạt 11%; triển khai các giải pháp quyết liệt phấn đấu vượt thu ngân sách năm 2018 cao nhất để tiếp tục bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; thảo luận những giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, hỗ trợ khởi nghiệp; phát triển giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh - xã hội; cụ thể hóa các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị TW6 và các nghị quyết TW 7, khóa XII...
Quang cảnh thảo luận tại Tổ Đại biểu Hạ Long - Ba Chẽ. |
Đại biểu Trần Văn Lâm, Tổ TP Uông Bí, phát biểu: Với những tín hiệu vui như ngành than đang phục hồi, nhiều dự án chuẩn bị hoàn thiện, đi vào hoạt động... việc đảm bảo tăng trưởng GRDP cả năm đạt 11% là hoàn toàn khả thi. Đại biểu cũng đề nghị trong thời gian tới tỉnh cần tập trung phát triển kinh tế biển; thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao; đẩy mạnh đầu tư, tạo sự kết nối hạ tầng giữa các khu kinh tế; đổi mới tư duy chiến lược về phát triển kinh tế, lấy dịch vụ là trung tâm, khuyến khích đầu tư dịch vụ chất lượng cao, đổi mới cơ chế, môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư...
Về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, đồng chí Vũ Thành Long, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Xây dựng Nông thôn mới, cho biết: Tính đến ngày 30/4/2018, tỉnh đã hoàn thành thực hiện phân bổ vốn NTM cho các địa phương, sớm hơn rất nhiều so với các năm trước, tạo cơ sở cho các địa phương phấn đấu thực hiện nhanh các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2018. Tỉnh đã đạt ra mục tiêu phấn đấu năm 2018 đưa 2 xã về đích nông thôn mới song đến nay các địa phương đều đăng ký vượt chỉ tiêu đề ra, cho thấy sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Song để hoàn thành mục tiêu đưa các xã về đích NTM, xây dựng NTM kiểu mẫu, tỉnh cần tiếp tục có chỉ đạo, định hướng, động viên và phát huy tốt hơn nữa vai trò của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trọng trước mắt như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; duy trì hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm....
Đại biểu khách mời Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, đề nghị tỉnh và các địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ phần thu để tăng cường các nguồn thu, đảm bảo chỉ tiêu, phát huy vai trò của các cơ quan thuế tại địa phương. Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu năm 2018, nhất là phát triển du lịch bền vững, đại biểu các địa phương cần phải xây dựng quy chế quản lý các điểm du lịch, nâng cao chất lượng thu hút khách du lịch, góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách...
Đại biểu Lục Thành Chung, Tổ đại biểu TP Hạ Long thì kiến nghị tỉnh cần có giải pháp quyết liệt hơn để thu hút khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Bởi lẽ, qua nắm bắt, tổng số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 mới chỉ đạt 14,2% trên tổng số hồ sơ 6 tháng đầu năm. Theo đại biểu đầu tư thêm các trang thiết bị cần thiết để ứng dụng dịch vụ này tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã hiện nay. Qua đó, đẩy mạnh và nâng cao công tác cải cách hành chính.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng phát biểu ý kiến, góp ý về các giải pháp phát triển kinh tế của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2018 như: Tăng cường các chính sách thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, kinh tế biên mậu; tăng năng suất lao động; xây dựng nghị quyết chuyên đề và đưa ra bộ quy tắc ừng xử trong cộng đồng, đối với từng đối tượng, quan tâm hơn nữa công tác an toàn giao thông, an toàn lao động, phòng chống đuối nước và bảo vệ trẻ em với sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành và địa phương.
Nhóm PV
Ý kiến ()