Tất cả chuyên mục

Trong phiên thảo luận tại hội trường, lãnh đạo một số sở, ngành tiếp tục trả lời những vấn đề đại biểu (ĐB) quan tâm liên quan đến chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách dân tộc… Các giải trình đã cơ bản đã đáp ứng tốt được yêu cầu của đông đảo cử tri trong tỉnh.
![]() |
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại kỳ họp. |
Việc làm cho người lao động: Giải quyết thế nào?
Tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn, trong ngày làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XII, được sự ủy quyền của UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Thị Hạnh đã trả lời chất vấn của ĐB Châu Thị Hoài Thu, Tổ Vân Đồn về vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động cũng như giải pháp thu hút nguồn nhân lực tại địa phương.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, hiện nay, tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm là do công tác đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng; số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường quá cao so với nhu cầu tuyển dụng; tâm lý của nhiều phụ huynh muốn con em mình được vào làm trong các cơ quan Nhà nước…
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn này, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh… Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, thời gian qua, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc từ các cơ sở đào tạo trong nước đã được tỉnh tuyển dụng làm công chức, viên chức, được bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn, trong đó có nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt.
![]() |
Lãnh đạo Sở Nội vụ trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. |
Về vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng đây là câu hỏi rất hay liên quan đến công tác quản lý, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đồng chí cho rằng, muốn có công ăn việc làm thì sản xuất kinh doanh phải phát triển, không chông chờ vào vị trí của Nhà nước. Vì Chính phủ có quy định đến năm 2016 không tuyển mới, mà chỉ dành 50% để bố trí việc làm.
Tỉnh ta trong 5 năm đã tăng biên chế trên 30 % ( năm 2014 là 38%), trong đó, cả nước là 26%. Nếu tăng thêm biên chế nữa thì bộ máy tiếp tục cồng kềnh, chi phí cho bộ máy càng lớn. Do đó, giải pháp từ nay đến năm 2020 phải quyết liệt hơn nữa thông qua việc phân luồng ngành nghề đào tạo; tập trung làm cho sản xuất kinh doanh phải phát triển, từ đó thu hút đội ngũ lao động vào lĩnh vực này. Cùng với đó, phải có được môi trường tốt, hạ tầng cơ sở tốt.
Hiện nay, qua đánh giá của các doanh nghiệp Nhật Bản thì Quảng Ninh không đủ sức cạnh tranh so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nên dụt dè đầu tư vào Quảng Ninh. Do đó, đồng chí đề nghị, ngoài cải cách hành chính, cải cách thể chế thì tỉnh cần phải tập trung phát triển cả hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thì mới đủ sức thu hút doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm cho người lao động.
Mặt khác, đồng chí cũng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh cần tập trung thảo luận, thông qua các quyết sách liên quan đến giáo dục, hợp tác công tư, không nên quá trông chờ vào Nhà nước; thống nhất nhận thức, hành động là tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng tiêu chuẩn chức danh để thực hiện 1 cách nghiêm túc nhất các vị trí chức danh đảm bảo năng lực lãnh đạo, điều hành các lĩnh vực được phân công; xây dựng vị trí việc làm ở tất cả các nơi để xác định được biên chế, năng lực của cán bộ, công chức…
Đồng chí cũng khẳng định, việc làm này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân. Mặt khác, đồng chí cũng chỉ ra rằng, tiêu chí khó nhất để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại là tiêu chí lao động ở nông thôn. Bởi theo thông lệ quốc tế thì tỷ lệ lao động ở nông thôn phải dưới 20% thì mới là tỉnh công nghiệp. Mặc dù ở Việt Nam chỉ xây dựng tỷ lệ lao động ở nông thôn dưới 30%, nhưng hiện nay, tỷ lệ này ở Quảng Ninh còn cao, vậy thì trong năm 2015 có đạt được tiêu chí này hay không?
Chính vì thế, bài toán đặt ra là tỉnh phải có nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại. Và muốn thế thì phải có cơ chế phù hợp để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính cạnh tranh mạnh mẽ. Cùng với đó, đồng chí đề nghị tỉnh cần báo cáo với Trung ương kịp thời tháo gỡ những khó khăn có liên quan, đồng thời yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, phân luồng cho nhân dân biết, hướng con em vào học những chuyên ngành phù hợp, để khi ra trường có được việc làm phù hợp…
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp cho rằng, nội dung trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nội vụ đã khá rõ. Tuy nhiên, có một thực tế là, hiện nay, khoảng cách giữa đào tạo gắn với nhu cầu việc làm còn rất lớn, là tình trạng chung của cả nước. Dó đó, để giải quyết tốt vấn đề này, tỉnh cần thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng đào tạo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, từ đó tạo việc làm cho người lao động, từng bước giảm sức ép đối với nhu cầu việc làm của học sinh, sinh viên sau khi đã ra trường.
Thực hiện chính sách dân tộc: Phải để đồng bào hiểu và "bắt"
Tại phiên trả lời chất vấn, đồng chí Lãnh Thế Vinh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã báo cáo giải trình làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-5-2013 của BTV Tỉnh ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
![]() |
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh giải trình về những giải pháp thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh. |
Sau giải trình, ĐB Lục Thành Chung, Tổ Hạ Long đề nghị đồng chí Lãnh Thế Vinh làm rõ thêm nguyên nhân vì sao nguồn lực đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn thấp hơn so với các xã khác trên địa bàn tỉnh? Và giải pháp quan trọng nào sẽ góp phần tạo nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo? ĐB Châu Hoài Thu, Tổ Vân Đồn đề nghị làm rõ nội dung: Qua quá trình giám sát tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhận thấy hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn chưa mặn mà với chính sách, họ không mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Nguyên nhân do đâu?
Trả lời chất vấn thêm của ĐB Lục Thành Chung, đồng chí Lãnh Thế Vinh nhấn mạnh: Để đầu tư các xã đặc biệt khó khăn cần phải huy động tất cả mọi nguồn lực, không thể chỉ tập trung vào nguồn lực từ Chương trình 135 và chương trình xây dựng Nông thôn mới. Đồng chí nhấn mạnh thời gian vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tham mưu và trình với UBND tỉnh Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đất sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã đặc biệt khó khăn. Những hộ chưa có đất ở, đất sản xuất thì phải được giao đất. Nguồn đất từ quỹ đất của địa phương. Nơi nào không còn nguồn đất thì phải hỗ trợ kinh phí để cũng cho các hộ chuyển nhượng về đất. Còn đối với những nơi không còn nguồn đất chuyển nhượng phải có hỗ trợ chuyển đổi nghề... Không những vậy, hiện nay tỉnh đang rất quan tâm tới việc thu hút nguồn lực đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn.
Đối với chất vấn của ĐB Châu Hoài Thu, đồng chí Lãnh Thế Vinh cũng thừa nhận: Thực tế hiện nay, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mặn mà với chính sách vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho đối tượng nghèo, đặc biệt khó khăn. Năm 2014, toàn tỉnh có 1040 hộ thuộc đối tượng theo quyết định 54. Trong đó có 456 hộ có nhu cầu vay vốn. Do trình độ nhận thức còn hạn chế nên các đối tượng khó tiếp nhận vốn; Mức vay thấp (8 triệu đồng) dẫn đến đầu tư manh mún, nhỏ lẻ. Thêm nữa, việc hướng dẫn, giúp đỡ các hộ đồng bào dân tộc nghèo sử dụng nguồn vốn vay chưa được cơ quan chuyên môn, địa phương thực sự quan tâm sâu sát. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Ngân hàng chính sách với Ban Dân tộc tỉnh chưa thật chặt chẽ. Bởi vậy, thời gian tới, cần phải tăng cường hoạt động của tổ chức đoàn thể ở khu dân cư trong việc hướng dẫn các đối tượng nghèo, đặc biệt khó khăn sử dụng nguồn vốn vay...
Kết luận về vấn đề này, Chủ tọa kỳ họp đã đánh giá cao báo cáo giải trình của đồng chí Lãnh Thế Vinh trước hội đồng. Đồng chí nhấn mạnh: Trong những năm qua, tỉnh rất quan tâm tới công tác đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện, thiết chế văn hóa, văn hóa giáo dục... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống bà con được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay, khoảng cách giữa các vùng trung tâm và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có khoảng cách lớn. Do vậy, thúc đẩy sản xuất phát triển, xây dựng các mô hình điểm để nâng cao thu nhập của bà con dân tộc là ưu tiên hàng đầu.
Đồng chí đề nghị: Các sở ban ngành, địa phương cần quan tâm tới công tác cử tuyển, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số để huy động thêm nhiều nguồn lực. Đồng thời, mong muốn các ban ngành, địa phương và bản thân bà con đồng bào dân tộc thiểu số không được ỷ lại, phải nỗ lực cố gắng vươn lên phát triển sản xuất...
Quang Minh- Lưu Linh
Ý kiến ()