Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:29 (GMT +7)
Đặc sắc văn hóa người Tày ở Ba Chẽ
Chủ nhật, 21/04/2024 | 15:55:59 [GMT +7] A A
Người Tày ở Ba Chẽ hiện có 3.636 người, chiếm 15,67% dân số toàn huyện với 2 nhóm: Tày áo nâu và Tày áo đen, sinh sống ở 8 xã, trong đó tập trung đông nhất ở các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh và Thanh Lâm. Người Tày có truyền thống văn hóa lâu đời, bản sắc độc đáo, thể hiện qua văn hoá ẩm thực, lễ hội truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng.
Múa lảu then là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày. Được nuôi dưỡng và phát triển trong dân gian, lảu then phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhiều thế hệ với những mong muốn người nông dân có nhiều thóc gạo; trâu, bò, gà, vịt đầy nhà; cha, mẹ sống lâu, gia đình hòa thuận, yên vui; con cháu hiếu thảo và trưởng thành… Múa sư tử mèo mới được người Tày ở Ba Chẽ phục dựng và biểu diễn. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian chứa đựng nhiều thành tố như: Âm nhạc, múa, võ thuật. Múa sư tử mèo thể hiện một cách sinh động nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của đồng bào, chứa đựng tinh thần hướng thiện, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần thượng võ, đối nhân xử thế giữa người với người, với thiên nhiên và xã hội.
Trong ẩm thực dân tộc thì bánh dầy và bánh coóc mò là 2 loại bánh rất đặc trưng. Người Tày áo đen làm bánh dầy vào tháng 11 âm lịch, người Tày áo nâu làm vào ngày 10/10 âm lịch hằng năm. Bánh được làm từ nếp nương nấu chín, đem vào cối giã cho đều, mịn, trắng, dẻo và không còn lõi gạo sống nổi trên mặt bánh. Bánh coóc mò gói vào Tết Đoan Ngọ, hình dáng trông như sừng con bò, nên còn được gọi là bánh sừng bò. Người Tày còn cúng bánh coóc mò để cầu cho mùa màng bội thu, mừng mùa lúa mới. Bên cạnh đó, người Tày Ba Chẽ còn tham gia sản xuất các sản phẩm đặc hữu như: Ba kích tím, trà hoa vàng, sâm cau, thuốc tắm, lá tắm dân tộc và nhiều món ẩm thực đặc trưng như: Gà đồi, thịt trâu, thịt bò, cá suối, xôi ngũ sắc, bánh vắt vai...
Về tri thức dân gian nghề truyền thống, họ có nghề đan lát. Từ những cây tre, cây dùng, cây cọ trên rừng, họ đan quạt cọ, đan nón mê, đan lồng, đan mẹt, đan sàng. Đặc biệt, tri thức dân gian ngôn ngữ dân tộc cùng với đó là nhưng tri thức dân gian về y học, dược liệu được truyền lại qua nhiều đời… Về lễ hội dân gian có lễ hội Lồng tồng, lễ hội đình Đồng Chức, lễ hội đình Làng Dạ chứa đựng yếu tố văn hóa của người Tày. Tất cả những di sản đó hòa quyện tô vẽ cho bức tranh văn hóa huyện Ba Chẽ đa sắc màu, mang đậm nét văn hóa tộc người.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, một số nét văn hóa truyền thống của người Tày bị mai một dần. Trước thực trạng đó, người Tày ở Ba Chẽ tích cực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tiên tiến của các dân tộc trên địa bàn, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là xây dựng Hệ giá trị Quảng Ninh về 6 đặc trưng, trong đó có đặc trưng “Văn hóa đặc sắc”, những năm qua, Ba Chẽ đã ban hành triển khai nhiều Nghị quyết, Đề án về văn hoá. Trong đó có Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 5/11/2015 của Huyện ủy về xây dựng văn hóa con người Ba Chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong tình hình mới, Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di tích, danh thắng huyện Ba Chẽ giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Huyện cũng đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng các lễ hội đan xen với phục hồi các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.
Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hoá - Thể thao huyện, cho biết: Năm 2023, lần đầu tiên huyện Ba Chẽ tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Tày với mong muốn phục dựng, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào. Đồng thời kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, các di tích lịch sử và sự độc đáo về văn hoá của các dân tộc quảng bá tới du khách gần xa, tạo sản phẩm du lịch mới. Với việc đi sâu vào nét văn hóa riêng như: Không gian sinh hoạt truyền thống người Tày, nghi lễ hát then, nghi lễ cầu mùa, cầu an, văn hóa ẩm thực, các nghề truyền thống để cộng đồng dân cư nhận thức được rằng, mình có một truyền thống văn hóa đặc sắc cần phải lưu giữ lại, truyền dạy cho thế hệ sau, trở thành sản phẩm du lịch gắn với phát triển kinh tế của huyện.
Phạm Học
- Nghề đan lát truyền thống của người Tày ở Ba Chẽ
- Độc đáo nhà gạch đất của người Tày ở Bình Liêu
- Vẻ đẹp trang phục truyền thống người Tày ở Bình Liêu
- Đánh quay - nét đẹp văn hóa của người Tày huyện Hải Hà
- Văn hóa truyền thống người Tày nhìn từ những nông cụ
- Bánh chưng truyền thống của người Tày Bình Liêu
- Phong tục cưới truyền thống của người Tày ở Bình Liêu
- Độc đáo phong tục đón Tết của người Tày
Liên kết website
Ý kiến ()