Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:30 (GMT +7)
Đã thu 1.844 tỷ tiền thuế từ 2.873 người bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế
Thứ 5, 10/10/2024 | 09:38:12 [GMT +7] A A
Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu, báo cáo các cấp thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp và cá nhân tỏ ra hoang mang trước thông tin bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Điều này đã gây không ít xáo trộn và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh cũng như kế hoạch đi lại của nhiều người. Vậy, căn cứ pháp lý nào cho phép cơ quan thuế thực hiện biện pháp mạnh mẽ này?
Về căn cứ pháp lý triển khai thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đang căn cứ theo đúng quy định pháp luật tại 4 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Khoản 12 Điều 3; Điều 66; Khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế và Khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 126 của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân khi biết được thông tin về các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế của cơ quan thuế, nhất là các quy định về tạm hoãn xuất cảnh qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã tự giác đi nộp những khoản thuế nợ từ nhiều năm trước đó.
Nhiều doanh nghiệp đã tập trung thu xếp nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ thuế nhằm được gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh. Từ cuối năm 2023 đến tháng 9.2024, cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh (đó là chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do người nộp thuế chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh).
"Với 1.844 tỷ đồng đã thu, cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nợ thuế mà ngành thuế triển khai (số thu được lớn hơn tổng số thu của 2 địa phương có số thu thấp)", đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Khi người nộp thuế có hành vi trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành các bước gửi thông báo đến người nộp thuế về việc nợ thuế và yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ. Nếu người nộp thuế vẫn không thực hiện nghĩa vụ, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế khác như kê biên tài sản, tạm giữ giấy tờ. Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, cơ quan thuế sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế.
Việc tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là một biện pháp cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội và khuyến khích người nộp thuế thực hiện đúng nghĩa vụ. Tuy nhiên, người dân cần hiểu rõ quy định pháp luật để tránh rơi vào tình huống đáng tiếc. Để tránh bị tạm hoãn xuất cảnh, mỗi người dân và doanh nghiệp cần có ý thức chấp hành pháp luật, nộp thuế đầy đủ và đúng hạn. Đồng thời, cần chủ động cập nhật thông tin về các quy định liên quan đến thuế để có thể giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()