Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:29 (GMT +7)
Đa dạng kênh hỗ trợ vốn cho nông dân
Thứ 3, 21/11/2023 | 06:08:43 [GMT +7] A A
Từ các kênh trợ vốn của tổ chức Hội Nông dân (HND), nhiều bà con nông dân trên địa bàn Quảng Ninh đã có thêm đồng vốn để phát triển sản xuất giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Xác định nguồn vốn đóng vai trò quan trọng đối với nông dân, các cấp HND Quảng Ninh đã và đang tích cực tìm nguồn, nhằm đa dạng hóa kênh vay vốn, giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Những đồng vốn mồi đúng thời điểm
Vài năm trước, khi chủ trương phát triển vải chín sớm Phương Nam theo hướng VietGAP được phổ biến tới các hộ trồng, gia đình ông Phạm Văn Trị (khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí) không khỏi băn khoăn khi tìm nguồn vốn để cải tạo khu vườn vải đang canh tác. Nắm bắt được tâm tư của ông Trị, cũng như nhiều nông dân trồng vải khác trên địa bàn, HND TP Uông Bí đã kịp thời phổ biến đến hội viên, nông dân có nhu cầu vay vốn.
Từ 50 triệu đồng vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân của tổ chức HND địa phương, ông Trị đã cải tạo lại vườn, khơi thông hệ thống rãnh thoát nước, áp dụng quy trình chăm sóc cây vải theo hướng VietGAP. Đến nay, vườn vải chín sớm của gia đình ông đang nằm trong diện tích 400ha vải VietGAP của phường Phương Nam được định hướng phát triển xuất khẩu.
Ông Trị cho biết: Với hình thức vay tín chấp, lãi suất thấp, khoản tiền này đến kịp thời, đúng lúc, giúp cho gia đình tôi thuận lợi phát triển sản xuất. Dù thời hạn tối đa vay là 5 năm, nhưng chỉ sau gần 2 năm, gia đình đã hoàn trả lại toàn bộ vốn và lãi cho HND phường.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Thu (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô), nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH đã giúp cho gia đình chị mua thêm máy móc và nguyên vật liệu phục vụ chế biến hải sản. Chị Thu chia sẻ: Nhờ 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, gia đình tôi đã đầu tư thêm kho lạnh bảo quản, gia tăng công suất chế biến, mở rộng năng lực sản xuất. Hiện nay, cơ sở của gia đình đang tạo việc làm cho 3 lao động địa phương, thu nhập của mỗi lao động tại cơ sở là 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Theo lãnh đạo HND tỉnh, hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ nông dân ngày càng đa dạng, góp phần giải "cơn khát" về vốn, thúc đẩy "tam nông" phát triển. Tại Quảng Ninh, ngoài việc duy trì kênh trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, HND tỉnh cũng đang hợp tác với các ngân hàng như: Chính sách xã hội, NN&PTNT, Bưu điện Liên Việt… để triển khai những chương trình tín dụng chính sách ưu đãi cho hội viên, nông dân.
Khi có nhiều nguồn vốn để tiếp cận, nông dân có thể đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng thu nhập. Đặc biệt, nông dân có thể sử dụng các nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ, trang thiết bị và hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Gia tăng nguồn vốn cho nông dân
Tính đến cuối tháng 10/2023, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đang quản lý cho vay trên 86,5 tỷ đồng, với 1.234 hộ vay. Các hộ nông dân được vay vốn tập trung ở những lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng cây công nghiệp, cây gỗ lớn có hiệu quả kinh tế cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, dự án có liên kết sản xuất. Nhằm hướng tới xây dựng khu vực “tam nông” tiên tiến, hiện đại, HND tỉnh cũng quán triệt 100% các dự án vay vốn đều phải là mô hình liên kết, gắn với thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các CLB nông dân theo ngành nghề; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất. Từ đây, quy mô vay vốn cũng được nâng lên tối thiểu từ 500 triệu đồng, khuyến khích các dự án trên 1 tỷ đồng.
Bên cạnh kênh vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhờ sự tư vấn, tích cực hỗ trợ từ HND các cấp, hàng nghìn hội viên nông dân trên toàn tỉnh đã và đang được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng thông qua sự bảo lãnh từ phía tổ chức hội. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay từ các nguồn tín dụng ưu đãi của ngân hàng qua tổ chức HND đang triển khai là gần 2.200 tỷ đồng.
Từ các nguồn vốn vay, hội viên, nông dân trong tỉnh đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động của từng địa phương, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Để các nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, HND tỉnh cũng chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân; hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể; xây dựng thương hiệu OCOP…
Theo lãnh đạo HND tỉnh, thu nhập của nông dân là mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch hằng năm của các cấp hội. Bám sát nhiệm vụ này, HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội triển khai đồng bộ giải pháp, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn. Trong đó, coi việc phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân và ủy thác vay vốn từ các ngân hàng để tạo vốn cho hội viên là giải pháp quan trọng.
Thời gian tới, HND tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, đề xuất với chính quyền tiếp tục bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân từ ngân sách và huy động, vận động hội viên ủng hộ quỹ; đồng thời, tăng trưởng dư nợ với các ngân hàng. Cùng với đó là phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()