Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 05:51 (GMT +7)
Đa dạng hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Thứ 3, 09/05/2023 | 09:02:29 [GMT +7] A A
Chỉ chưa đầy 1 tháng nữa là bước vào Tháng hành động vì trẻ em năm 2023. Không chỉ trong Tháng hành động này, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực.
Tính đến đầu năm 2022, Quảng Ninh có 329.419 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 3.453 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 7.768 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tỉnh duy trì một số mô hình và các hoạt động trợ giúp trẻ em, như: Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại TP Uông Bí, TP Cẩm Phả; “Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện trẻ thơ” do Hội LHPN tỉnh thực hiện; “Phòng chống tai nạn thương tích” tại 13 huyện, thị xã, thành phố; "Thí điểm kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em tại cộng đồng dựa trên đánh giá nhu cầu của trẻ" tại xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều); hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn...
Qua đó, từ năm 2022 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã hỗ trợ quần áo, chăn ấm cho 300 trẻ em người DTTS ở xã Quảng Đức (huyện Hải Hà), xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên), xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu); hỗ trợ sữa cho 1.200 trẻ em mầm non tại các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cũng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho 39.406 trẻ em với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng; hỗ trợ sữa, mì tôm, phở ăn liền... cho gần 6.400 trẻ, chủ yếu học sinh các xã khó khăn…
Thông qua mô hình hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh tổ chức khám sàng lọc, hỗ trợ phẫu thuật cho 115 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, dị tật mắt, khuyết tật vận động, bệnh hiểm nghèo tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố, với kinh phí thực hiện 1.665 triệu đồng; tổ chức khám sàng lọc tim bẩm sinh, khám sàng lọc dị tật mắt cho 6.586 trẻ em với kinh phí 213,95 triệu đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em phối hợp với các bệnh viện tổ chức khám sàng lọc miễn phí các loại dị tật về mắt, tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, dị tật vận động cho hơn 20.000 trẻ trên địa bàn tỉnh, trong đó 527 trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đưa đi phẫu thuật miễn phí.
Các hoạt động hỗ trợ học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho trẻ được đẩy mạnh. Từ năm 2022 đến nay, hơn 5.000 trẻ em ở vùng đi lại khó khăn được Quỹ Bảo trợ trẻ em hỗ trợ xe đạp; gần 300 trẻ khuyết tật được hỗ trợ xe lăn... Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh cũng tặng xe lăn, laptop, quà... cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 1,18 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để giúp trẻ em vùng núi, biên giới, hải đảo có nơi vui chơi, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã đầu tư lắp đặt thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em tại xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu), xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), xã Thanh Lân (huyện Cô Tô) tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Các cấp bộ đoàn thanh niên khởi công và khánh thành 2 Ngôi nhà Khăn quàng đỏ tại TP Móng Cái và TP Uông Bí; 1 công trình sân trường cho em tại TP Uông Bí; xây dựng mới 8 khu vui chơi cho thiếu nhi tại TP Cẩm Phả, huyện Hải Hà, TX Đông Triều, TP Hạ Long; thực hiện công trình “Con đường em đến trường” vào điểm trường khu Động Linh - Trường Tiểu học Minh Thành (TX Quảng Yên), ước tính giá trị các công trình gần 700 triệu đồng.
Hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được quan tâm. Từ năm 2022 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tổ chức trao tặng quà nhân dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu cho 529 trẻ, trị giá 383 triệu đồng; hỗ trợ đột xuất cho trẻ bị tai nạn thương tích, đuối nước, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bệnh nặng hiểm nghèo, trẻ em vùng khó khăn, thiên tai dịch bệnh; hỗ trợ gói đồ ấm gồm áo khoác, chăn ấm và tất, áo đồng phục, chăn đệm cho 2.387 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trị giá hơn 1 tỷ đồng. Các cấp bộ đoàn đã huy động được nguồn lực, xã hội hóa trao tặng 15.942 suất quà Tết Nguyên đán, Tết Trung thu với tổng trị giá hơn 5,2 tỷ đồng tiền; đỡ đầu thường xuyên 1.141 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 2.359 trẻ em nghèo thuộc các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn...
Hội phụ nữ các cấp triển khai sâu rộng chương trình “Mẹ đỡ đầu hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19”. Phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH rà soát, thống kê số lượng trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, qua đó giới thiệu kết nối với các cá nhân, tổ chức hỗ trợ giúp đỡ trẻ. Từ năm 2022 đến nay có 6 trẻ mồ côi được hội phụ nữ một số đơn vị, địa phương nhận hỗ trợ nuôi dưỡng.
Bên cạnh đó, rất nhiều sở, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân có các hoạt động thiết thực để chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; giúp trẻ em được sống trong môi trường đảm bảo nhất.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()