Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:21 (GMT +7)
Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi
Thứ 4, 02/03/2022 | 08:27:28 [GMT +7] A A
Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn vật nuôi. Bối cảnh giao mùa, rét kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, dẫn đến nguy cơ cao phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, đơn vị liên quan cần rà soát các cơ sở chăn nuôi, chủ động giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Toàn tỉnh hiện có gần 41.000 cơ sở chăn nuôi và gần 39.900 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Đối với chăn nuôi lợn, có 80% hộ nuôi dưới 10 con, 20% hộ nuôi trang trại (trên 50 con). Trong đó, có 3 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn; hơn 200 trang trại quy mô nhỏ có khả năng áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt được dịch bệnh nên đã tích cực đầu tư tăng đàn. Chăn nuôi gia cầm nhìn chung phát triển tốt, tăng 8,9% so với cùng kỳ, tập trung nhiều tại các địa phương: Đông Triều, Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà.
Năm 2021, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như: Lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi... xuất hiện có xu hướng gia tăng với 97 ổ dịch, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ. Trong đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Vì vậy, để giảm dịch bệnh và tăng năng suất, ngành chăn nuôi đã đầu tư, chuyển dịch mạnh mẽ về tổ chức sản xuất, mô hình chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao; chăn nuôi VietGAP... Đặc biệt, các cơ sở chăn nuôi đã chủ động ứng dụng KHKT tiên tiến, đồng bộ như: Sử dụng các giống tiến bộ, thức ăn công nghiệp, bán công nghiệp, các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, các hệ thống chuồng trại tiên tiến, các biện pháp phòng chống dịch bệnh...
Ông Trần Hòa, Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, cho biết: Đơn vị đã đầu tư trại chăn nuôi tập trung lợn hướng nạc công nghệ cao với quy mô 5.000 nái. Hệ thống cho ăn tự động, hệ thống điều hoà không khí bằng hơi nước nâng cao hiệu quả sản xuất, sản lượng hàng năm đạt trên 12.000 tấn lợn hơi. Bên cạnh đó, để phòng chống dịch bệnh, chúng tôi thực hiện đầy đủ các quy trình tiêm vắc-xin cho vật nuôi; kiểm tra thường xuyên định kỳ và nâng cao sức khoẻ tổng đàn, chú trọng vào các giai đoạn chuyển mùa; tăng cường quy trình phun tiêu độc, khử trùng. Đặc biệt, công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô 1.500 tấn/tháng để đảm bảo đủ dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi đàn lợn phát triển tốt.
Với các biện pháp chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng sinh học, giảm trừ dịch bệnh, năm 2021, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 7,6% so với năm 2020. Tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm đều tăng từ 2,5-12,7%. Trong đó, đàn trâu đạt trên 29.000 con, đàn bò khoảng 35.700 con, đàn lợn gần 276.300 con, đàn gia cầm đạt 4,2 triệu con.
Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi vẫn còn gặp một số khó khăn. Một trong số đó là do hình thức tổ chức sản xuất còn phân tán trong khu dân cư, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 80%, trong khi ý thức của người dân về phòng, chống dịch và tuân thủ quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi chưa đồng đều. Nhu cầu về giống gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ tỉnh ngoài, khả năng cung ứng giống tại chỗ mới đạt 40-50% nhu cầu sản xuất. Chất lượng con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến năng suất thấp, bị suy thoái... Bên cạnh đó, liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ còn yếu. Các dự án phát triển chăn nuôi, dự án xây dựng cơ sở giết mổ tập trung khó khăn trong việc triển khai thực hiện và thu hút nhà đầu tư.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Để nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi, thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật, xây dựng các cơ chế chính sách, chương trình, đề án, dự án. Trong đó, tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó hoạch định các khu, vùng chăn nuôi tập trung gắn với an toàn dịch bệnh tại các địa phương, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ.
Đặc biệt, để phòng chống dịch bệnh, Chi cục sẽ chỉ đạo các đơn vị và địa phương đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn, kiểm soát tốt dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ; kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý chất lượng con giống phục vụ sản xuất...
Về lâu dài, ngành nông nghiệp nói chung sẽ tập trung tổ chức chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi. Theo đó, phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai các dự án sản xuất chăn nuôi theo chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thương mại, kết nối các cơ sở chăn nuôi với các doanh nghiệp trong giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()