Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:11 (GMT +7)
Đa dạng các hoạt động truyền thông
Thứ 6, 10/06/2022 | 07:11:18 [GMT +7] A A
Với nhiều hoạt động truyền thông thiết thực, hiệu quả, công tác DS-KHHGĐ của Quảng Ninh đã có những thay đổi rõ nét, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Người dân đã dần hiểu rõ hơn, nghiêm túc chấp hành các chính sách, pháp lệnh liên quan đến công tác dân số.
Hoạt động truyền thông được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thay đổi liên tục, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, địa phương, vùng, miền. Trong đó có 3 hoạt động truyền thông trọng tâm là: Truyền thông thường xuyên, hướng vào phụ nữ, nam giới, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh, vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi; truyền thông tăng cường, đối tượng là người dân ở địa bàn có mức sinh cao, những gia đình sinh con một bề, người dân tộc thiểu số; truyền thông phối hợp, chủ yếu là phối hợp với các đơn vị như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, LĐLĐ...
Năm 2021, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện 24 chương trình ở chuyên mục “Dân số và hạnh phúc” trên sóng phát thanh, duy trì hiệu quả chuyên mục “Dân số và phát triển” trên trang 5 báo Quảng Ninh với số lượng gần 50 tin, bài liên quan đến công tác DS-KHHGĐ. Các chuyên mục này đã trở thành kênh thông tin hữu ích đưa chính sách DS-KHHGĐ tới người dân, giúp cho các hoạt động truyền thông ở các địa phương đạt hiệu quả cao.
Toàn tỉnh cũng tổ chức tốt các chiến dịch như: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến vùng khó khăn... Các ngành chức năng tích cực sản xuất, biên tập, cung cấp bản tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác dân số.
Ở các địa phương, trọng tâm là truyền thông nhóm nhỏ tại các khu dân cư, tập trung vào các nội dung: Mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, sàng lọc trước và sau sinh… Từ đó, nhiều đối tượng đã được tiếp cận với nhiều phương thức truyền thông, dần thay đổi hành vi, ý thức liên quan đến công tác dân số.
Công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh còn được gắn với các mục tiêu của chiến lược dân số đến năm 2030 với trọng tâm chuyển từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Vì thế, ngành dân số tiếp tục mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục, giới tính, triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chị Hoàng Thị Dung (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) cho biết, ngay từ khi mang thai đã được các cán bộ y tế, cán bộ dân số của xã tuyên truyền về các mốc khám thai định kỳ, sàng lọc trước sinh và sau sinh. Nhờ được tuyên truyền, chị Dung đã nắm rõ các mốc khám thai quan trọng, tìm hiểu rõ hơn về những biện pháp sàng lọc trước sinh và sau sinh.
Chị Dung chia sẻ: Khi được cán bộ tuyên truyền tôi đã quyết định làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sau khi sinh, tôi cũng tiến hành lấy máu gót chân xét nghiệm sau sinh để đảm bảo em bé phát triển khỏe mạnh.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, nhận thức, tư duy của người dân trên địa bàn về DS-KHHGĐ đã có sự thay đổi tích cực; bảo đảm mọi người dân đều có quyền và nghĩa vụ tham gia công tác dân số trong tình hình mới.
Mỗi cặp vợ chồng có ý thức dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về không lựa chọn giới tính thai nhi, cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em. Từ đó, công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần vào thành công của công tác dân số trên địa bàn tỉnh.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()