Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 08:44 (GMT +7)
Đa dạng các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Thứ 2, 17/06/2024 | 15:31:57 [GMT +7] A A
Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, khó lường trước được. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những tổn thương ở trẻ cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Vì vậy bảo đảm an toàn, phòng chống TNTT cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhất là trong mùa hè. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (ảnh) về nội dung này.
- Ông cho biết, thời gian qua công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào?
+ Quảng Ninh luôn chú trọng thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan đến trẻ em. Tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo rà soát và thực hiện đầy đủ chính sách cho trẻ em theo quy định của trung ương và của tỉnh; quan tâm chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để các em vượt khó vươn lên và có điều kiện phát triển.
Bằng hành động thiết thực và ưu tiên nguồn lực cho trẻ em, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể về an sinh xã hội, đẩy mạnh xã hội hoá và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Do đó, cơ bản các mục tiêu vì trẻ em của tỉnh đạt và vượt mục tiêu quốc gia; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (13.040 trẻ) đều được quan tâm chăm sóc và trợ giúp. Năm 2023 toàn tỉnh có 8.450 lượt trẻ em được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước với tổng số tiền 54,89 tỷ đồng.
Đặc biệt, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND, mở rộng 12 nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ngoài Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nâng mức chuẩn trợ giúp cao hơn mức quy định của trung ương từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng. Nhờ đó đã hỗ trợ thêm 5.372 lượt trẻ em với tổng số tiền 15,66 tỷ đồng. Mỗi năm tỉnh còn dành gần 500 tỷ đồng hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho hàng trăm nghìn học sinh các cấp học. Công tác xã hội hoá được quan tâm đẩy mạnh, năm 2023 các cấp của tỉnh vận động được hơn 22 tỷ đồng dành chăm sóc, đỡ đầu, hỗ trợ, tặng quà hàng nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng.
Mới đây nhất, thực hiện chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, UBND tỉnh phát động phong trào nhận đỡ đầu trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó đã vận động 64 cơ quan, đơn vị và UBND 13 huyện, thị xã, thành phố triển khai đỡ đầu 453 trẻ em đặc biệt khó khăn chưa thuộc diện được hưởng chính sách của Nhà nước với mức 1 triệu đồng/trẻ/tháng; số tiền dự kiến vận động 5,436 tỷ đồng/năm.
- Phòng chống TNTT cho trẻ là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ông cho biết Sở LĐ-TB&XH đã có những giải pháp gì để chủ trì, phối hợp triển khai công tác này?
+ Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực trong công tác phòng chống TNTT trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh 3 kế hoạch chuyên đề về phòng chống TNTT của tỉnh; phối hợp với Sở VH&TT, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 kế hoạch trong năm 2023 về phổ cập bơi, phòng chống đuối nước trẻ em. Sở LĐ-TB&XH cũng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành ký kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 với sự tham gia của 10 ngành. Trong đó tập trung tăng cường, bảo đảm triển khai toàn diện các giải pháp đến tận cơ sở, huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phòng, chống đuối nước.
Hằng năm, công tác tuyên truyền phòng chống TNTT cho trẻ được Sở tăng cường bằng nhiều hình thức, tập trung trước kỳ nghỉ hè, hướng tới địa bàn cơ sở, thôn khu, như: Truyền thông lưu động, biên tập tài liệu sử dụng phát thanh tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở; tin nhắn phòng chống đuối nước trên thuê bao di động; phát hành sách mỏng, tờ rơi kiến thức phòng chống TNTT cấp phát cho học sinh các trường học; tổ chức tư vấn đánh giá, ký cam kết thực hiện ngôi nhà an toàn; phòng chống TNTT, đặc biệt là phòng chống đuối nước trẻ em… Qua đó giúp nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, chính quyền cơ sở trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em. Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo kịp thời các vấn đề phát sinh.
Đặc biệt, để bảo vệ trẻ em, Sở đang nỗ lực chủ trì và phối hợp thực hiện quyết tâm “3 giảm”, “3 tăng” của tỉnh trong tổ chức các hoạt động hè. Trong đó “3 giảm” là: Giảm số TTN,HS bị TNGT, TNTT đuối nước; giảm số TTN,HS liên quan tới sử dụng ma túy dưới mọi hình thức; giảm số TTN,HS có hành vi xấu, vi phạm pháp luật. “3 tăng” là: Tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ quản lý, giáo dục TTN; tăng cường hiệu quả tổ chức sinh hoạt hè tại các khu dân cư; tăng cường trang bị kỹ năng cho TTN, nhất là các kỹ năng về bơi lội, kỹ năng sống, năng khiếu, tăng tỷ lệ TTN biết bơi (phấn đấu đạt 60%).
- Ông có thể nói rõ hơn về công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhất là trong dịp hè?
+ Tai nạn đuối nước ở lứa tuổi trẻ em luôn là vấn đề nhức nhối, nhất là mỗi dịp hè về. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn thiếu kiến thức, chưa quan tâm giám sát, trông coi trẻ nhỏ, để trẻ em tự do vui chơi tại những nơi, khu vực nguy hiểm, thiếu biển báo, rào chắn (bờ biển, sông, suối, ao, hồ, bể cá gần nhà)… Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do đuối nước ở trẻ nhỏ. Một số gia đình, cha mẹ mải đi làm, việc quản lý trẻ, nhất là trong dịp hè, chưa chặt chẽ; trẻ tự đi bơi thiếu kỹ năng an toàn nên xảy ra đuối nước. Số bể bơi trong cộng đồng, trường học và giáo viên dạy bơi còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu học bơi và rèn luyện môn bơi của trẻ em. Lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em khó khăn còn ít. Số trẻ em biết bơi còn thấp (mới đạt 47%). Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và cảnh báo nguy cơ cho người dân, đặc biệt là trẻ em, chưa thường xuyên; hệ thống biển cảnh báo, rào chắn phòng chống đuối nước chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế tại địa phương.
Để công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em được thực hiện tốt hơn thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 29/5/2023 của BTV Tỉnh ủy và các kế hoạch phòng chống TNTT của UBND tỉnh; tham mưu ưu tiên nguồn lực thực hiện, nhằm đạt mục tiêu của tỉnh đã đề ra; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, khu dân cư tuyên truyền, cảnh báo, rà soát loại bỏ nguy cơ TNTT, đuối nước (lắp đặt rào chắn, biển báo các khu vực sông suối, ao hồ, nơi nguy cơ cao xảy ra đuối nước); tổ chức ký cam kết xây dựng ngôi nhà an toàn phòng chống TNTT với gia đình, cam kết thực hiện trường học an toàn với các nhà trường, cam kết xây dựng cộng đồng an toàn với chính quyền địa phương cấp huyện, xã... nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, giảm tới mức thấp nhất TNTT, đuối nước.
Cùng với đó, tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ năng dạy bơi, tăng nhanh số giáo viên dạy bơi trong trường học, cộng đồng; tăng cường đầu tư bể bơi ở những trường học, xã, phường chưa có bể bơi, nhằm đáp ứng nhu cầu học bơi của trẻ em. Trước mắt là triển khai 185 lớp dạy bơi theo kế hoạch hè năm 2024 với hơn 3.000 trẻ em được học bơi.
Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan phát động, triển khai mạnh mẽ phong trào toàn dân luyện tập môn bơi ở các cấp; tổ chức dạy bơi và kỹ năng cứu đuối trong trường học, khu dân cư và liên kết với các cơ quan, đơn vị có bể bơi hoặc kinh doanh dịch vụ bơi, dịch vụ vui chơi dưới nước trong thời gian nghỉ hè. Nghiên cứu phương án phát huy tối đa công suất các bể bơi do Nhà nước đầu tư hoặc xã hội hoá nhằm tăng số trẻ em được học bơi, phấn đấu đạt chỉ tiêu 60% trẻ em biết bơi trong năm 2025. Đảm bảo tất cả xã, phường, thị trấn đều có trẻ em được học bơi cứu đuối; ưu tiên, miễn phí học bơi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em các xã miền núi, vùng đồng bào DTTS. Sở sẽ tham mưu, kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn phòng chống đuối nước; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng đối với trẻ em.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Hà (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()