Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:35 (GMT +7)
Cựu Trưởng phòng CSGT tỉnh An Giang lĩnh án 2 năm tù
Thứ 3, 17/10/2023 | 10:32:58 [GMT +7] A A
Sau 10 ngày xét xử sơ thẩm và nghị án, chiều 16/10, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bá Quận (sinh năm 1962, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh An Giang) 2 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Ân (sinh năm 1975, nguyên Phó đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ - Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh An Giang) 1 năm 9 tháng tù giam; bị cáo Bùi Quốc Khánh (sinh năm 1990, nguyên Đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ - Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh An Giang) 1 năm 6 tháng tù được hưởng án treo (thời gian thử thách 3 năm); bị cáo Võ Chí Linh (sinh năm 1982) và Nguyễn Hoàng Em (sinh năm 1985, nguyên là cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh An Giang) mỗi bị cáo 1 năm 3 tháng tù được hưởng án treo (thời gian thử thách 2 năm 6 tháng) cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hình phạt bổ sung đối với hai bị cáo Quận, Ân là cấm đảm nhận chức vụ liên quan đến hành vi phạm tội trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; bị cáo Khánh, Hoàng Em, Linh bị cấm đảm nhận chức vụ liên quan đến hành vi phạm tội trong thời hạn 2 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Các bị cáo Quận, Ân, Khánh mỗi người nộp 50 trệu đồng sung công quỹ nhà nước; các bị cáo Quận, Ân, Hoàng Em, Linh phải liên đới bồi thường 18 triệu đồng cho bị hại.
Theo cáo trạng, nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch cho mọi người, Bộ Công an và các đơn vị liên quan đã triển khai phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ trên phạm vi toàn quốc; việc cấp biển số xe bằng hình thức bấm số ngẫu nhiên, có trang bị màn hình điện tử hiển thị kết quả bấm biển số.
Để phục vụ cho công tác đăng ký, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã cấp cho Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh An Giang mật khẩu tài khoản để cập nhật, thao tác trên phần mềm trong quá trình đăng ký xe. Qua đó, những cán bộ có thẩm quyền sử dụng các mật khẩu tài khoản được cấp để thực hiện các thủ tục đăng ký mới, sang tên trong và ngoài tỉnh, thu hồi cải tạo xe, xác minh trong tỉnh, cập nhật trạng thái phương tiện ô tô. Tuy nhiên quá trình thực hiện nhiệm vụ cấp biển số xe ô tô cho chủ phương tiện, từ tháng 8/2012 đến 6/2021, Nguyễn Bá Quận với vai trò Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo, giao tài khoản quyền lãnh đạo cho Nguyễn Hữu Ân và Bùi Quốc Khánh để thao tác cấp biển số theo ý muốn.
Được sự giúp sức của Nguyễn Hoàng Em và Võ Chí Linh, Nguyễn Hữu Ân và Bùi Quốc Khánh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, can thiệp sai quy định vào phần mềm đăng ký, quản lý xe ô tô để thực hiện việc chọn, cấp biển số xe ô tô theo ý muốn của bản thân, người thân, người quen.
Bị cáo Nguyễn Bá Quận khai nhận đã yêu cầu Nguyễn Hữu Ân tìm cách can thiệp lấy biển số theo ý muốn trên phần mềm đăng ký xe ô tô, mục đích để cấp cho người có yêu cầu. Bị cáo Quận đã yêu cầu cấp biển số theo ý muốn khoảng 50 biển số, trong đó cấp cho con ruột của Quận với 8 biển số ô tô gồm 67A-123.45, 67C-066.66, 67A-066.60, 67A-068.69, 67C-095.99, 67B-019.99, 67A-009.80, 67A-009.52; cấp cho người thân, người quen là lãnh đạo, cán bộ sở, ban, ngành trong tỉnh nhiều biển số; cấp cho bạn bè, những người quen có quan hệ vay mượn tiền qua lại và cấp nhiều biển số xe cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cường. Theo bị cáo Quận, việc làm này là do nể nang và nhằm tạo uy tín cho bản thân để thuận lợi trong công tác hoặc việc kinh doanh của gia đình.
Bị cáo Khánh đã thao tác cấp biển số sai quy định cho bản thân, cho người nhà, người thân, người quen, người có chức vụ nhằm thỏa mãn mong muốn sử dụng biển số đẹp của chủ phương tiện. Ngoài ra, Khánh có xin bị cáo Quận cấp 2 biển số 67A-045.67, 67C-098.99 cho bản thân và bạn.
Tổng cộng có 5.056 biển số cấp sai quy định gồm: 4.175 biển số cấp bằng cách hoán đổi; 881 biển số cấp bằng cách nhập dữ liệu cũ lấy biển số trực tiếp sai quy định.
Quá trình điều tra, nhóm chủ phương tiện được hoán đổi biển số khai do có nhu cầu lấy biển số theo ý muốn nên đã gặp “cò làm biển số”, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh An Giang để chi từ 1-50 triệu đồng để được cấp biển số theo ý muốn. Một số khác cho biết được cấp biển số do có quen biết và không chi tiền. Còn các chủ các phương tiện được cấp biển số sai quy định thì cho rằng không có việc chi tiền để được cấp biển số theo ý muốn, việc có được biển số là do tự bấm hoặc nhờ người khác đi bấm giúp.
Nhóm “cò xe” và các nhân viên tư vấn bán xe khai có giới thiệu, nhận tiền của chủ phương tiện để đưa cho “cò xe” Trầm Trần Đình Thuấn, nhóm cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ gồm Ân và Khánh để được cấp biển số theo ý muốn của chủ phương tiện.
Riêng Trầm Trần Đình Thuấn, Nguyễn Thanh Tuấn, Trần Thái Hiền, Việt Hữu Lợi (Mười), Nguyễn Văn Khuê (Bảy Thép) và nhân viên tư vấn bán xe Phạm Huỳnh Lam trình bày không có việc nhận tiền của chủ phương tiện để thực hiện việc liên hệ cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh An Giang để cấp biển số theo ý muốn. Việc nhận tiền của chủ phương tiện đưa hoặc chuyển khoản là tiền để đóng thuế trước bạ, phí đăng ký, đăng kiểm xe...
Trên cơ sở lời khai và những chứng cứ liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi môi giới hối lộ, nhận hối lộ và đưa hối lộ. Vụ án đã được tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ xử lý theo quy định pháp luật.
Theo phapluatplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()