Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:33 (GMT +7)
Cứu sống bệnh nhân biến chứng ngừng tim, ngừng thở do ngộ độc so biển
Thứ 4, 05/04/2023 | 08:51:43 [GMT +7] A A
3 trường hợp bị ngộ độc con so biển được ghi nhận trên địa bàn huyện Vân Đồn trong ngày 1/4 vừa qua. Đến nay, 1 trường hợp nguy kịch đã được cứu sống; 2 trường hợp nhẹ đã ổn định sức khỏe và ra viện.
Trường hợp nguy kịch là bệnh nhân N.V.T (nam, 42 tuổi, huyện Vân Đồn) làm nghề chài lưới. Sau khi ăn so biển tại nhà khoảng 1 giờ, anh T. thấy tê bì môi, lưỡi, đầu ngón chân, tay, nôn mửa kèm khó nói, cảm giác khó thở tăng dần. Bệnh nhân được người thân đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn trong tình trạng liệt tứ chi, suy hô hấp, bất ngờ ngừng tim, ngừng thở, nhanh chóng được kíp trực cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp tích cực, sau khoảng 3 phút có tái lập tuần hoàn tự nhiên. Người bệnh được đặt ống nội khí quản, bóp bóng có oxy hỗ trợ, duy trì thuốc vận mạch và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã điều trị tích cực theo phác đồ, rửa dạ dày, dùng các thuốc hạn chế hấp thu độc tố, thở máy hỗ trợ hô hấp, đảm bảo chức năng tuần hoàn bằng thuốc vận mạch, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kiểm soát cân bằng dịch và điện giải, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp động mạch xâm nhập liên tục.
Với sự chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng của các y bác sĩ, đến nay bệnh nhân T. đã tỉnh táo hoàn toàn, mạch, huyết áp ổn định, giao tiếp tốt, cơ lực phục hồi, vận động chân tay bình thường, còn choáng nhẹ.
Đối với 2 trường hợp còn lại được cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe của 2 bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Hàng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận không ít trường hợp ngộ độc hải sản, trong đó có những ca ngộ độc nặng, nguy kịch do ăn con so biển. Chất độc giết người trong loài so biển là Tetrodotoxin, tác động lên thần kinh trung ương, có khả năng gây liệt cơ, đặc biệt nguy hiểm làm liệt cơ hô hấp, có thể gây tử vong nhanh chóng. Đáng chú ý là độc tính này không bị phá hủy bởi nhiệt, vì vậy dù có nấu chín, đun sôi thì người ăn vẫn có nguy cơ ngộ độc cao.
Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này, các bác sĩ chủ yếu điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế như: Giảm hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt tính, thuốc nhuận tràng, kiểm soát các chức năng hô hấp, tuần hoàn và các cơ quan khác chờ độc tố được đào thải.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn so biển. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, choáng váng, toàn thân biểu hiện mệt mỏi,… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()