Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:12 (GMT +7)
Cứu người gặp TNGT đừng sợ “làm phúc phải tội”
Thứ 2, 18/07/2022 | 16:01:38 [GMT +7] A A
Không nên vì sự việc này mà có suy nghĩ “thấy người gặp nạn sẽ không dám cứu giúp nữa”. Hãy coi trường hợp này như một sự việc hãn hữu mà thôi.
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước câu chuyện tài xế Ngô Văn Chính ở Quảng Ninh bị gia đình người phụ nữ gặp tai nạn mà anh Chính đã cứu giúp, kiện về việc tài xế này chính là… người đã gây ra tai nạn.
Đến thời điểm này, thông tin từ cơ quan công an cho thấy, nội dung tố cáo người gây ra tai nạn như đơn của gia đình người phụ nữ nọ là không chính xác. Tài xế gây tai nạn là một người trú tại tỉnh Lạng Sơn chứ không phải anh Chính.
Sau khi các thông tin về vụ việc được làm sáng tỏ, dư luận có nhiều ý kiến lên án hành vi của gia đình người đã được cứu giúp, thậm chí có nhiều người còn cho rằng “từ nay thấy người gặp nạn sẽ không dám cứu giúp nữa”, vì sợ làm ơn mắc oán, “làm phúc phải tội”.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận để suy xét sự việc cho thật thấu đáo.
Chúng ta có thể hiểu được nỗi bức xúc của gia đình tài xế Ngô Văn Chính, từ chỗ là ân nhân của gia đình người gặp nạn, không nhận được một lời cảm ơn lại còn phải chịu khá nhiều rắc rối, phiền hà.
Đa phần đều chia sẻ, cảm thông trước những rắc rối mà anh Chính gặp phải, đó cũng là điều dễ hiểu.
Theo quy định của pháp luật, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn. Người điều khiển phương tiện khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.
Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.
Luật quy định là vậy, song hơn hết, theo đạo lý thông thường, đạo đức xã hội, giữa đường thấy người gặp nạn thì không ai không cứu.
Còn việc sau đó người được cứu hành xử thế nào là câu chuyện khác. Ví như người phụ nữ trong trường hợp này, kể cả có cố tình vu khống cho anh Chính cũng không được, vì mọi việc đã có pháp luật, có cơ quan chức năng, không phải muốn đổi trắng thay đen thế nào cũng được.
Bởi thế, chúng ta không nên vì sự việc này mà có suy nghĩ “thấy người gặp nạn sẽ không dám cứu giúp nữa”.
Hãy coi trường hợp này như một sự việc hãn hữu trong xã hội mà thôi. Hãy coi cứu người gặp nạn không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm của một công dân, mà đó còn là tình người.
Và trong một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, điều đó càng trở nên cần thiết. Không thể vì một sự việc hiếm khi xảy ra trong cuộc sống mà lại có suy nghĩ khác.
Nói như ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia thì: “Sự việc này là rất hy hữu, hiếm khi xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên nó không ảnh hưởng gì tới truyền thống đạo đức của người Việt.
Đó là trong xã hội, mọi người luôn sẵn sàng cứu giúp những người hoạn nạn giữa đường, những người đang lâm vào tình thế khó khăn.
Giúp đỡ người gặp nạn đã trở thành một đạo lý tốt đẹp của người Việt và đạo lý này được thể hiện rất rõ trong hàng trăm, hàng nghìn vụ người qua đường cứu giúp nạn nhân TNGT”.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()