Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:29 (GMT +7)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ dự báo về kế hoạch hòa bình cho Ukraine
Thứ 2, 08/05/2023 | 14:00:31 [GMT +7] A A
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định, với sự tham gia của Trung Quốc, các cuộc đàm phán nghiêm túc có thể bắt đầu vào cuối năm nay.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS News ngày 7/5, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể đang tiến gần đến “một bước ngoặt” và các cuộc đàm phán hòa bình do Trung Quốc làm trung gian có thể bắt đầu vào cuối năm 2023.
"Giờ đây khi Trung Quốc đã chính thức bước vào cuộc chơi thì nhiều khả năng quá trình đàm phán sẽ có những diễn biến thuận lợi và tôi nghĩ có thể sẽ diễn ra vào cuối năm nay", nhà ngoại giao kỳ cựu chia sẻ.
Với việc công bố "Lập trường về giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine" vào tháng 2, Trung Quốc đã nổi lên như là một nhà trung gian hòa giải tiềm năng giữa Moscow và Kiev.
Mặc dù kế hoạch của Trung Quốc đã bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bác bỏ hoàn toàn, song Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả một số trong số 12 điểm của nó là "phù hợp" với lập trường của Moskva, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ hoan nghênh một số điểm của tuyên bố này song vẫn khẳng định rằng Kiev sẽ không thỏa hiệp với Nga dưới bất kỳ hình thức nào.
Mặc dù vậy, việc ông Zelensky từ chối đàm phán với Nga chỉ là một trở ngại mà Trung Quốc hoặc bất kỳ bên trung gian tiềm năng nào khác phải đối mặt.
Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa họ và NATO. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cách đây ít hôm tuyên bố rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào sẽ không được tổ chức "với Zelensky” mà phải trực tiếp với những bên đứng đằng sau, ám chỉ Mỹ và phương Tây.
Tại Washington, chính quyền Tổng thống Joe Biden công khai tuyên bố rằng việc quyết định thời điểm tìm kiếm hòa bình là tùy thuộc vào Ukraine. Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev "miễn là cần thiết" để đạt được mục tiêu chiến tranh của mình.
Hồi năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Kissinger đã từng đề nghị Ukraine nên chấp nhận quay trở lại "nguyên trạng", hoặc từ bỏ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với Crimea và trao quyền tự trị cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk để bảo vệ hòa bình. Điều này đã khiến cho giới chức Kiev tỏ ra thất vọng và giận dữ.
Moskva cũng nhiều lần nói rằng họ sẵn sàng đàm phán với Kiev nhưng chỉ khi Ukraine "công nhận thực tế trên thực địa", bao gồm cả quy chế mới của các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia là một phần của Nga. Nếu không, Điện Kremlin tuyên bố, Nga sẽ giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()