Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:03 (GMT +7)
Cứu chữa người bệnh trong tâm bão
Thứ 5, 26/09/2024 | 08:54:26 [GMT +7] A A
Bão số 3 (Yagi) đã gây ra thiệt hại nặng nề cho tỉnh về người và tài sản. Đội ngũ nhân viên y tế là một trong những lực lượng “đi trước về sau”, tận tụy chữa bệnh, cứu người trong bất cứ hoàn cảnh nào, trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân.
Ngày 7/9 khi bão số 3 đổ bộ, hệ thống điện lưới, máy phát điện tại Trung tâm Y tế TX Đông Triều đều bị phá hỏng. Vì sự cố mất điện mà các hệ thống máy thở, khí nén, áp lực âm dùng cho việc điều trị người bệnh tại Trung tâm đều bị tạm ngừng. Lúc này tại Trung tâm đang có 6 bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở kiểm soát, 12 người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Bệnh nhân N. T. D (77 tuổi) đang điều trị tại Trung tâm Y tế TX Đông Triều là một trong 6 bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Do sự cố mất điện, máy thở không hoạt động, dẫn đến bệnh nhân bị tím tái, ngừng tim, ngừng thở, không theo dõi được các chỉ số sinh tồn. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Trung tâm Y tế TX Đông Triều) cùng kíp trực cấp cứu đã lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn, thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản cho người bệnh. Song song, điều dưỡng Ngô Thị Ngọc Lan liên tục bóp bóng thay cho máy thở, điều dưỡng khác tiêm thuốc, theo dõi diễn biến. Sau 20 phút cấp cứu, người bệnh đã vượt qua cơn nguy kịch.
Cùng lúc này, các y, bác sĩ của Trung tâm duy trì bóp bóng qua mặt nạ cho những bệnh nặng khác cần hồi sức, đồng thời dừng 12 máy lọc máu để tránh biến chứng.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, kỹ thuật bóp bóng qua mặt nạ được thực hiện cho những người bệnh ngừng thở, ngừng tim với mục đích tạo nhịp thở cho người bệnh để cung cấp oxy cho não và các cơ quan trong cơ thể. Do đó tất cả y, bác sĩ đều kiên trì, thay phiên nhau bóp bóng qua mặt nạ cho người bệnh đến khi có điện.
Ngay khi nắm được thông tin, lãnh đạo Trung tâm Y tế TX Đông Triều đã huy động gần 30 nhân viên y tế (gấp 7 lần ngày thường) tham gia cấp cứu người bệnh. Đồng thời chuẩn bị dự phòng thiết bị không cần điện, như máy hút và monitor chạy bằng ắc quy để theo dõi chỉ số sinh tồn, bình oxy dự trữ sẵn, máy đo SpO2 (chỉ số oxy trong máu) sạc đầy pin. Một tiếng sau, máy phát điện của Trung tâm hoạt động trở lại. Lúc này nhân viên y tế mới dừng bóp bóng qua mặt nạ, máy thở hoạt động trở lại. Tất cả bệnh nhân đều an toàn sức khỏe.
Trong bão, dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề về cơ sở vật chất, thiết bị, song các đơn vị y tế toàn tỉnh đã cấp cứu cho hàng trăm lượt bệnh nhân, đảm bảo công tác điều trị nội trú. Công tác khám chữa bệnh, cấp cứu và khắc phục sự cố được triển khai nhanh chóng, cấp thiết.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy trong ngày 8/9, các y, bác sĩ đã cấp cứu, điều trị cho 95 lượt bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong thời gian mưa bão, các phòng phẫu thuật của Bệnh viện liên tục sáng đèn, với 27 ca mổ, trong đó có 24 trường hợp mổ cấp cứu.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong đêm bão số 3 đổ bộ, Khoa Cấp cứu luôn sáng đèn, liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp người dân bị thương do tai nạn liên quan đến bão. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết trong những ngày bão đổ bộ vào tỉnh, Bệnh viện tiếp nhận trung bình 200 bệnh nhân/ngày.
Khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế TX Quảng Yên liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp người dân bị thương do tai nạn liên quan đến bão số 3. Trong ngày 7 và 8/9, có 160 trường hợp cấp cứu do siêu bão tác động.
Từ ngày 6-11/9, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 tiếp nhận qua tổng đài 813 cuộc gọi, trong đó có 184 cuộc gọi liên quan đến cấp cứu; vận chuyển cấp cứu 57 trường hợp.
Bão đổ bộ vào 2 ngày cuối tuần (7 và 8/9), ngoài những kíp trực theo phân công ban đầu, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh kịp thời điều động thêm nhân lực để cấp cứu người bệnh, nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân trong tình huống khẩn cấp. Theo thống kê, từ ngày 7-16/9, các bệnh viện của tỉnh đã tiếp nhận điều trị 2.358 bệnh nhân, trong đó 8 bệnh nhân tử vong do bão (7 ca tử vong ngoại viện). Các ca bệnh bị thương do bão: 26 ca đa chấn thương nặng, 18 ca chấn thương sọ não, 11 ca chấn thương cột sống, 51 ca chấn thương lồng ngực, ổ bụng, 138 ca gãy xương, 5 ca ngã nước, còn lại là các ca chấn thương phần mềm khác. Việc cấp cứu kịp thời đã giúp bệnh nhân tránh nguy cơ tổn thương thêm, duy trì quá trình điều trị liên tục, đồng thời giảm rủi ro tử vong, các di chứng nặng nề do thiên tai gây ra.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()