Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:36 (GMT +7)
Cứu bé 7 tuổi ở Bắc Giang bị chấn thương sọ não nguy kịch sau tai nạn giao thông
Thứ 5, 18/07/2024 | 17:51:02 [GMT +7] A A
Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh – Lồng ngực (Bệnh viện Bãi Cháy) vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhi 7 tuổi bị chấn thương sọ não nguy kịch do tai nạn giao thông.
Theo đó, bệnh nhi N.H.M. (7 tuổi, trú tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tỉnh táo, nhưng đau đầu kèm sưng nề bầm tím vùng mặt, nhãn cầu phải lồi nhẹ sau tai nạn giao thông.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não có tụ máu ngoài màng cứng vùng trán thái dương phải (chỗ đo dày nhất 27mm, đè đẩy vào nhu mô não lân cận, não thất bên phải, đường giữa lệch trái 4mm); vỡ xương trán - thái dương phải, thành trên và trong ổ mắt phải. Với tình trạng này, các bác sĩ đã điều trị thuốc cho bệnh nhi, tiếp tục theo dõi tình trạng tụ máu ngoài màng cứng.
Tuy nhiên khoảng 2 tiếng sau nhập viện, trẻ bắt đầu có biểu hiện lơ mơ. Các bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não lần 2 đánh giá tiến triển tổn thương và thấy máu tụ ngoài màng cứng tăng lên nhiều.
Sau khi hội chẩn liên khoa đánh giá tình trạng bệnh nhi với tiên lượng nặng, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ, cầm máu, đặt dẫn lưu.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhi được chăm sóc, hồi sức tích cực hậu phẫu tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bãi Cháy). Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhi thoát nguy kịch, tỉnh táo hoàn toàn, mọi chức năng không bị ảnh hưởng, vết mổ tạm ổn định. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị nội khoa hỗ trợ, chăm sóc vết mổ và theo dõi một số biến chứng khác có thể xảy ra sau phẫu thuật.
Chấn thương sọ não là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở trẻ em. Với các thương tổn lần lượt bao gồm các tổn thương ở da đầu, hộp sọ và não tương đương với chấn thương ở người lớn nhưng khác nhau về sinh lý bệnh và cách xử trí. Sự khác biệt là do sự thay đổi cấu trúc liên quan đến tuổi tác, cơ chế chấn thương, đặc điểm thể chất và sự khó khăn trong việc đánh giá thần kinh ở trẻ em. Da đầu có nhiều mạch máu và có thể là nguyên nhân gây mất máu nguy hiểm. Dù mất một lượng máu nhỏ cũng có thể dẫn đến sốc mất máu ở trẻ sơ sinh, và trẻ mới biết đi, tình trạng đó có thể xảy ra mà không có chảy máu bên ngoài rõ ràng.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Nguyên nhân chấn thương sọ não thường gặp ở trẻ nhỏ do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt (ngã do leo trèo, vật nặng va đập trúng vùng đầu…). Vì vậy, gia đình và nhà trường cần quan tâm, chú ý đến trẻ để đảm bảo an toàn. Trường hợp không may tai nạn xảy ra, gia đình cần theo dõi sát tình trạng ý thức của trẻ và các biểu hiện bất thường (đau đầu, nôn, liệt…). Nếu nghi ngờ chấn thương sọ não, cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()