Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:18 (GMT +7)
Cần giáo dục nhận thức cho giới trẻ một cách đúng đắn về vấn đề "thần tượng"
Chủ nhật, 30/07/2023 | 10:36:17 [GMT +7] A A
Quá trình trưởng thành, ở lứa tuổi thanh thiếu niên thời nào cũng vậy, hầu như ai cũng có “thần tượng” của riêng mình. Cuộc sống hiện đại, bùng nổ về công nghệ thông tin như hiện nay càng tạo cơ hội cho việc sùng bái “thần tượng” dễ dàng, thuận lợi hơn bao giờ hết. Từ sự ngưỡng mộ thuần tuý, nhiều bạn trẻ đã rơi vào hội chứng “cuồng thần tượng” vốn chủ yếu là các diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ trẻ đẹp…đang hot mà say mê tới cuồng dại, bất chấp sức khoẻ, việc học tập, gia đình để chạy theo thần tượng.
Để có những gợi mở thấu đáo hơn về vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Thị Thương (ảnh), giảng viên môn Tâm lý, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hạ Long, xung quanh câu chuyện “thần tượng” trong giới trẻ hiện nay.
- Thưa chị, “thần tượng” dường như chỉ là câu chuyện của giới trẻ, dưới góc độ tâm lý thì chị lý giải điều này như thế nào?
+ Trong cuộc sống, mỗi người đều hướng tới các giá trị về Chân - Thiện - Mỹ. Nếu một ai đó mà những giá trị về nhân cách, về tài năng được tỏa sáng, được xã hội thừa nhận thì đó được coi là hình mẫu, là mục tiêu phấn đấu của người khác. Nếu làm được như vậy thì rất tốt, vì đó là thi đua, là cố gắng, là nỗ lực, là phấn đấu để hoàn thiện bản thân, để mình trở nên tốt hơn so với ngày hôm qua.
Tuy nhiên, vấn đề “thần tượng” lại thường chỉ được xuất hiện trong giới trẻ, tập trung nhiều ở tầng lớp thanh thiếu niên, đây là giai đoạn mà thanh thiếu niên đang trong thời kỳ phát triển và định hình những giá trị nhân cách của riêng mình, họ có những khát khao trong quá trình khẳng định bản thân trước xã hội.
Trong quá trình khẳng định bản thân, giới trẻ còn đang thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nên chưa thể xác định được những giá trị sống phù hợp nhất với mình ngay từ đầu. Dưới con mắt của giới trẻ, “thần tượng” là một phiên bản hoàn hảo, lung linh và trọn vẹn mà mình cần hướng tới, là mục tiêu phấn đấu của họ. Giới trẻ thường xem “thần tượng” như mẫu hình lý tưởng vì thần tượng vốn có những phẩm chất nổi bật và đặc biệt trong lĩnh vực mà giới trẻ mong muốn đạt được.
Văn hóa thần tượng thường ít xuất hiện ở người trưởng thành vì người trưởng thành đã trải qua những năm tháng thăng trầm trong cuộc sống, những kết quả họ đạt được ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của cả quá trình rèn luyện và phấn đấu lâu dài, đôi khi thành công còn phải trả giá bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Do vậy, người trưởng thành sẽ nhìn nhận vấn đề cụ thể hơn, thực tiễn hơn và lý tính hơn.
- Thần tượng với nghĩa gốc chỉ những pho tượng, những vị thần được coi là thiêng liêng được tôn sùng và chiêm ngưỡng, còn ở đây chúng ta đang bàn về những nhân vật được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ, khâm phục. Tuy nhiên, xu hướng “thần tượng” trong lòng các bạn trẻ hiện nay thường là các ca sĩ, người mẫu, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng, có độ hot của Việt Nam và một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ... Theo chị vì sao như vậy?
+ Đúng là hiện nay, khái niệm thần tượng đã được hiểu xa hơn so với nghĩa gốc ban đầu. Giải trí hiện nay không còn được xem là một hoạt động, một lĩnh vực mà là ngành công nghiệp không khói, ngành công nghiệp giải trí, đó là nơi mà những nhà quản lý đang khai thác tối đa sự ảnh hưởng của “thần tượng” đối với giới trẻ để kinh doanh, thu lợi.
Vì là ngành công nghiệp giải trí cho nên “thần tượng” được đào tạo một cách bài bản, theo một quy trình vô cùng khắt khe, giới trẻ không thể biết được những góc khuất trong đời sống “thần tượng” của mình, họ chỉ biết đến những hình ảnh hào nhoáng, lung linh của “thần tượng” mà thôi. Vì vậy, khi xuất hiện trước công chúng, “thần tượng” gần như là hoàn hảo, hoàn hảo về sắc đẹp, về tài năng, về chất lượng cuộc sống..., do đó “thần tượng” lại ngày càng có sức hút hơn đối với giới trẻ.
- Những biểu hiện thái quá trong tôn sùng “thần tượng”, cuồng “thần tượng”… theo chị có đáng lo ngại không? Chị có gợi ý gì với các phụ huynh/giáo viên hoặc là các bạn trẻ nhằm định hướng vấn đề “thần tượng” cho giới trẻ để có ý nghĩa tích cực, là động lực vươn lên mà không bị lệch chuẩn, thái quá, ảnh hưởng tiêu cực tới việc học tập và cuộc sống nói chung?
+ Bản chất của “thần tượng” là không xấu, tuy nhiên nếu quá hâm mộ “thần tượng” thì đó lại là dấu hiệu không tốt. Từ hâm mộ “thần tượng” sang cuồng tín “thần tượng” tới mức mê muội là minh chứng cho thấy một bộ phận trong giới trẻ đang có sự lệch lạc về nhân cách.
Vấn đề này chứng tỏ một bộ phận giới trẻ thiếu sự tự tin vào năng lực của bản thân nên muốn tìm kiếm những giá trị bên ngoài để thay thế nó; đời sống tâm lý nghèo nàn, đơn điệu, không đủ năng lực để tạo ra những giá trị cho chính bản thân mình; nhận thức về những vấn đề xã hội phiến diện, chưa toàn diện; kinh nghiệm cuộc sống còn đơn giản, cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề còn mang nhiều cảm tính.
Để giúp cho giới trẻ có những nhận thức đúng đắn về các vấn đề xã hội khác nhau nói chung cũng như văn hóa “thần tượng” nói riêng, trong công tác giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội nên giáo dục nhận thức cho giới trẻ một cách đúng đắn về vấn đề “thần tượng”. “Thần tượng” cũng chính là những người bình thường như chúng ta, chỉ có điều công việc của họ khác với chúng ta, họ làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, vì vậy hình ảnh của họ luôn cần chỉn chu hơn để thể hiện sự tôn trọng khán giả, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức và giải trí của khán giả.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường học tập và rèn luyện phù hợp cho giới trẻ, tạo cơ hội cho giới trẻ được bộc lộ và phát triển khả năng của mình. Các câu lạc bộ học tập, câu lạc bộ thể dục thể thao, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ… là nơi kết nối và giúp cho giới trẻ được học tập và rèn luyện rất tốt.
Cần tạo cơ hội cho giới trẻ tiếp xúc nhiều với thực tiễn xã hội, cho các bạn trẻ được quan sát, được khám phá những vấn đề thực tiễn khác nhau trong đời sống xã hội, như những mảnh đời bất hạnh sống lang thang cơ nhỡ, những vùng quê nghèo khó nhưng vẫn có những tấm gương hiếu học, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang chiến đấu với sự sống và cái chết, đặc biệt là những hình ảnh và những câu chuyện rất đời thường của thần tượng như quá trình phấn đấu, rèn luyện, những khó khăn về cơm áo gạo tiền, chuyện gia đình con cái… để mở rộng thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn cho các bạn trẻ.
Đồng thời, cần nhìn nhận và đánh giá đúng những cố gắng, nỗ lực của các em, ghi nhận những kết quả mà các em đạt được dù là rất nhỏ, những sự ghi nhận đó sẽ tạo nên động lực tốt cho các em tiếp tục rèn luyện và phát triển. Cần phối kết hợp tốt trong công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức cho giới trẻ từ gia đình, nhà trường và xã hội.
- Xin cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()