Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 24/01/2025 15:48 (GMT +7)
Cuống cuồng mua vé du lịch Tết
Thứ 6, 24/01/2025 | 11:20:21 [GMT +7] A A
Không về quê dịp Tết Nguyên đán, Võ Thị Cẩm Tú (33 tuổi, sống tại huyện Nhà Bè, TP.HCM) dành toàn bộ tiền thưởng Tết để du lịch nước ngoài, sau một năm không rời thành phố.
Ngày 21/1, trước Tết khoảng 8 ngày, cô tìm đến một hội nhóm chuyên "săn" tour giờ chót. Theo đó, tour đi Thái Lan được báo giá 11 triệu đồng, tăng khoảng 3 triệu đồng so với giai đoạn đầu tháng 1.
"Phía lữ hành báo cận ngày, đây là tour tăng cường nên tăng giá. Tôi cũng muốn thử cảm giác đón năm mới ở nước ngoài nên chấp nhận", Cẩm Tú nói.
Chi nhiều hơnTrên thực tế, việc lựa chọn du lịch dịp Tết là một quyết định khá "rủi ro" bởi du khách phải cạnh tranh với dòng người mua vé về quê ăn Tết, chưa kể mức giá dịch vụ cũng tăng cao. Trường hợp của Văn Lâm Mỹ Phụng (26 tuổi, sống tại quận Bình Tân, TP.HCM) là một ví dụ.
Phụng chọn du lịch Đà Nẵng vào cận Tết. Theo kế hoạch ban đầu, vợ chồng cô sẽ khởi hành ngày 25/1 (tức 26 tháng Chạp), nhưng phải dời sang ngày 27/1 (tức 28 tháng Chạp) vì không còn vé máy bay.
"Vé máy bay hết quá nhanh, tôi đặt sớm nhưng ngày 27/1 cũng chỉ còn chặng bay giữa đêm. Giá vé khứ hồi 2,9 triệu đồng cho một người. Mùng 3 Tết, vợ chồng tôi phải về nhà chúc Tết, thời gian ít ỏi nên không thể thay bằng phương tiện khác", cô chia sẻ.
Chưa kể, việc đặt nơi lưu trú của Mỹ Phụng cũng gặp khó khăn khi các khách sạn tầm trung đều kín phòng. Cô loay hoay rồi bấm bụng chọn một khách sạn cao cấp còn trống với giá 1,8 triệu đồng/đêm.
"Chi phí lưu trú tăng lên gấp đôi, chúng tôi phải lượt bớt một số hoạt động trong lịch trình. Nhưng có nơi lưu trú trong mùa cao điểm này là mừng", cô bộc bạch.
Trong khi đó, với quan niệm ăn chơi nhưng phải hợp túi tiền, Ngọc Hậu (21 tuổi, quận 1, TP.HCM) "săn" vé máy bay cho chuyến đi chơi Đà Lạt trước Tết (ngày 20-23/1) từ sớm, nhưng vẫn không có giá rẻ. Nam nhân viên truyền thông vội vàng đặt vé xe giường nằm với giá 450.000 đồng, chịu đựng chứng say xe kinh niên để tiết kiệm chi phí đi lại.
"Tôi không phải tuýp người vịn vào 2 từ 'Tết mà' để vung tiền phung phí. Khoản phí tăng cao vé máy bay ngày cao điểm khá vô lý", Hậu nói.
Theo khảo sát, các chặng bay "hot" đã cạn vé bất chấp hàng không liên tục tăng chuyến vào ngày sát Tết. Đường bay trục như TP.HCM - Đà Nẵng/Hà Nội và ngược lại đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Ngoài ra, cung TP.HCM đi Chu Lai (Quảng Nam)/Huế/Vinh/Pleiku/Nha Trang... đều đã kín chỗ.
Giá tour tăng, du lịch nội địa vẫn "hot"
Giá vé máy bay một lần nữa phản ánh quy luật cung - cầu của thị trường năm nay, trực tiếp ảnh hưởng đến giá tour tại một số đơn vị lữ hành.
Ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng Giám đốc Du Lịch Việt, tỏ ra bất ngờ khi lượng khách đặt tour du lịch dịp Tết tăng cao dù đơn vị có một số điều chỉnh trong giá tour do giá vé máy bay nhanh cạn vào cận Tết.
Tính đến ngày 23/1, công ty đã đạt trên 90% kế hoạch tour Tết với gần 200 tuyến tour, phục vụ hơn 10.000 khách hàng đã đăng ký. Các tour đi bằng xe nội địa dự kiến đóng chỗ vào ngày 27/1. Số liệu kinh doanh cũng ghi nhận mức tăng trưởng số lượng khách 25% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó hơn 70% là các nhóm gia đình tham gia tour từ 4 ngày trở lên.
Bên cạnh đó, tour nước ngoài đang chiếm 65% tổng lượng khách, trong đó các điểm đến Trung Quốc, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Thái Lan và châu Âu được ưa chuộng nhất.
Tour nội địa tập trung vào các điểm đến Nha Trang, Tây Nguyên, Đà Nẵng và khu vực Tây Bắc Việt Nam.
Xu hướng đi tour bằng xe năm nay cũng ghi nhận số lượng đoàn tăng thêm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng như chứng kiến sự tăng trưởng về nhu cầu du lịch xuyên tết ở nhóm đối tượng khách hàng trẻ.
Đồng quan điểm, bà Trang Nguyễn, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Du lịch BestPrice, cũng nhận thấy giá vé máy bay hiện tăng 20-40% so với ngày thường. Điều này khiến giá các gói tour, đặc biệt là tour trọn gói có lịch trình cố định, cũng phải điều chỉnh tương ứng.
Thống kê từ phòng kinh doanh đơn vị trên cho thấy lượng khách đăng ký tour đã tăng từ 20-30%, tập trung chủ yếu tại các điểm đến được yêu thích như Đà Lạt, Nha Trang, Hạ Long, Tây Bắc và Sa Pa.
Đáng chú ý, nhiều địa danh đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%, phản ánh nhu cầu du lịch cao và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch nội địa trong mùa Tết này.
Du khách thường ưu tiên các địa danh nằm gần nơi sinh sống, tạo nên sự phân bổ đồng đều tại cả ba khu vực Bắc, Trung và Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn đầu năm, du lịch hành hương chiếm ưu thế rõ rệt, với các điểm tâm linh nổi tiếng như chùa Bái Đính (Tràng An, Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh) và Huế ghi nhận lượng khách tăng đáng kể.
Xu hướng này phản ánh nhu cầu kết hợp du xuân với tín ngưỡng văn hóa truyền thống, mang đến cho du khách những trải nghiệm ý nghĩa cả về tinh thần lẫn văn hóa.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()