Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:16 (GMT +7)
Cuốn từ điển về địa danh Quảng Ninh
Chủ nhật, 28/05/2023 | 13:18:12 [GMT +7] A A
Sách "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay" dày 1.032 trang, khổ 16x24cm, do NXB Hồng Đức ấn hành. Đây là một công trình đồ sộ, được đánh giá như một cuốn từ điển tra cứu rất hữu ích về những tên đất, tên người, tên sông, tên núi ở Quảng Ninh xưa và nay.
Để có được cuốn sách này, nhóm tác giả thực hiện đã phải sưu tầm, nghiên cứu trong nhiều năm trời. Ý tưởng thực hiện một cuốn sách về địa danh Quảng Ninh xưa và nay có từ rất sớm, ngay khi xuất bản bộ Địa chí Quảng Ninh. Các tác giả khởi xướng là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Khắc Hài (nay đã mất), ông Nguyễn Cảnh Loan, Chánh Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Quảng Ninh và ông Nguyễn Văn Ái, cán bộ Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu, Quân đội Nhân dân Việt Nam. So với bản thảo đầu tiên của ông Nguyễn Văn Ái và bản thảo năm 1996, cuốn "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay" vừa xuất bản có số trang tăng khoảng 6 lần.
Từ năm 2017, công trình nhận được sự tham gia của các thành viên Hội VNDG Việt Nam, Hội VNDG Quảng Ninh, một số cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh và cán bộ Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, Phòng Văn hóa - Thông tin của các địa phương trong tỉnh. Các thành viên làm sách đã phải thực hiện hàng trăm cuộc điền dã thực tế đi về các địa phương thu thập, ghi chép tài liệu. Mỗi tên đất, tên làng, tên sông, tên núi nơi bước chân các ông đến có một ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn cuộc sống. Qua địa danh, chúng ta có thể hiểu thêm nhiều mặt về quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Công trình cũng đã huy động được trí tuệ tập thể của hàng trăm người từ các địa phương. Nhóm tác giả đã phát ra 2.198 phiếu điều tra và đã thống kê được hơn 41 nghìn địa danh các loại về tên đất, tên sông, tên núi, tên làng.
Mỗi địa danh (mục từ) đều khái quát đặc trưng của địa danh, lý giải những sự tích ý nghĩa quanh địa danh. Theo bà Phan Thị Thúy Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa, Bảo tàng Quảng Ninh, người nghiên cứu phải dựa vào các địa danh để xác định những địa điểm liên quan. Ví dụ như Dốc Đình, chắc chắn là ngôi đình sẽ ở gần đó, hoặc tên Miếu Rừng Nghè, hoặc tên Bãi Miếu ở đình Yên Cư, tên địa danh Lựng Nghè ở gần thác Lựng Xanh Uông Bí, tên Nghè Gốc Lim ở gần khu mỏ than Nam Mẫu Uông Bí, Đồng Đình ở xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên). Rất nhiều địa danh Quảng Ninh được đặt gắn với những ngôi đình, ngôi miếu cổ.
Mỗi địa danh ở Quảng Ninh hôm nay lại luôn chất chứa những dấu ấn của lịch sử xã hội, có khi gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc. Vì thế, quá trình các nhà nghiên cứu tìm hiểu địa danh chính là tìm hiểu văn hóa lịch sử, là nhu cầu cao đẹp của tình yêu quê hương, đất nước. Địa danh phản ánh tinh tế quá trình nhận thức, một mặt cũng là thước đo của quá trình tổ chức xã hội. Địa danh cũng là khối từ vựng đồ sộ, giàu sắc thái đặc thù trong kho tàng ngôn ngữ của dân tộc, lại là bằng chứng sinh động về bề dày lịch sử của vùng đất Quảng Ninh giàu đẹp mà chúng ta đang sống.
Từ các dữ liệu đó, ban biên tập đối chiếu với các văn bản hành chính xưa kia và đã phát hiện tỉnh ta có trên 100 tên huyện, xã có tuổi đời từ 100 đến 700 năm. Trong đó, có những danh xưng đến nay vẫn còn được sử dụng. Nhiều địa danh đã giúp ta hiểu thêm quá trình di cư, định cư của người Sán Dìu, Sán Chỉ, người Dao, người Tày, mở đầu việc nghiên cứu về văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Quảng Ninh.
Khi đã có được dữ liệu đồ sộ đó, các tác giả phải bước vào một quá trình không kém vất vả, đó là phân loại địa danh, sắp xếp theo bố cục của bản thảo trước khi tiến hành xuất bản thành sách. Cuốn sách "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay" ra đời gồm 3 phần. Phần 1 giúp người đọc làm quen với địa danh học và quá trình hình thành các loại địa danh. Phần 2 tổng quan về tỉnh Quảng Ninh đã phân tích, giới thiệu sâu, có hệ thống nét đặc trưng của những sự kiện, những tư liệu quý. Phần 3 giúp người đọc hiểu sâu từng địa danh trên địa bàn Quảng Ninh, nhất là những địa danh gắn với nhân vật, sự kiện lịch sử. Riêng các địa danh hành chính huyện, thị xã, thành phố, thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn, các tác giả đã cung cấp cho người đọc quá trình hình thành, phát triển của từng địa danh.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình kiến trúc, giao thông đã được xây dựng mới khang trang, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mong mỏi của nhân dân, các tác giả công trình "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay" đã cung cấp cho ngân hàng dữ liệu tên địa danh thêm các nhân vật lịch sử, các sự kiện lớn, các địa danh cổ trên địa bàn. Đây là công trình lớn, tuy không phải là sách từ điển theo đúng nghĩa giải thích từng mục từ nhưng lại giúp bạn đọc có thể tra cứu về tên đất, tên sông, tên núi, tên làng xã một cách thuận tiện.
Địa danh Quảng Ninh cũng chỉ ra giá trị của nhiều công trình có thể khai thác du lịch trải nghiệm văn hóa, nhất là cung cấp thông tin cho thế hệ trẻ, những người tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa. Chính vì vậy, sách đã được đưa vào thư viện của Trường Đại học Hạ Long, Thư viện tỉnh và hệ thống thư viện cộng đồng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và bước đầu đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Chị Đào Thị Hoài Thu, Trưởng Phòng Công tác bạn đọc, Thư viện Quảng Ninh, chia sẻ: "Đây là một công trình tra cứu rất bổ ích. Hiện chúng tôi đã bố trí sách này vào kho địa chí. Bạn đọc có thể đến Thư viện Quảng Ninh để tra cứu, mượn đọc".
Huỳnh Đăng
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số
- Phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần trong thời đại mới
- Tôn vinh di sản văn hóa qua thời trang
- Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của người Sán Chỉ ở Bình Liêu
- Những di sản văn hoá thời Lê
- Đàn đáy và di sản hát nhà tơ, hát múa cửa đình
Liên kết website
Ý kiến ()