Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:44 (GMT +7)
Cuối năm 2024 xử phạt hành vi không phân loại rác là thách thức với các địa phương
Thứ 3, 14/11/2023 | 08:10:55 [GMT +7] A A
Cuối năm 2024, hành vi không phân loại rác sẽ bị xử phạt. Như vậy chỉ còn hơn 1 năm nữa để các địa phương chuẩn bị các điều kiện, phương án tiến hành. Tuy nhiên theo ghi nhận, nhiều nơi từ hộ gia đình tới địa phương vẫn đang loay hoay trong công tác phân loại, thu gom rác thải.
Khó từ hộ gia đình khó đến địa phương
Theo lộ trình, việc xử phạt các trường hợp không phân loại rác tại nguồn, sẽ tiến hành chậm nhất vào ngày 31.12.2024. Quy định nêu rõ: phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Tuy nhiên, nhiều người dân còn mơ hồ với thông tin này.
Chị Minh Châu - trú tại quận Tây Hồ (TP Hà Nội) - cho biết: “Tôi chưa biết tới thông tin về lộ trình và quy định xử phạt. Tuy nhiên, tôi đồng tình bởi đây là một phương án hợp lý để góp phần giảm thiểu tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan gây ảnh hưởng tới môi trường".
Là công nhân vệ sinh môi trường tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), anh Trần Quang Vinh cho biết: “Số lượng rác thải lớn mỗi ngày với quá nhiều loại rác khác nhau, công nhân vệ sinh môi trường chỉ kịp chuyển rác thải ra điểm tập kết, rồi lại chuyển lên xe để đưa về khu vực xử lý chứ không đủ thời gian và nhân lực để phân loại rác thải thêm một lần nữa”.
Tại TPHCM, sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động "Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước", đồng thời thí điểm phân loại rác tại nguồn, đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến khả quan. Ghi nhận tại một số địa điểm như trước trường học, công viên hay tại một số khu dân cư trên địa bàn TPHCM, người dân chưa lưu tâm đến việc phân loại rác.
Là người nhập cư đến thuê trọ, diện tích phòng trọ chật hẹp sinh hoạt khó khăn, nên việc đặt thùng rác để phân loại đối với anh Lê Văn Thơm (ngụ TP Thủ Đức) càng khó khăn hơn. “Đa phần các khu trọ chỉ để một thùng rác lớn phía trước, mạnh ai nấy bỏ vào, mình có phân loại sẵn mang ra ngoài thì cũng dồn chung một chỗ” - anh Thơm nói.
Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, việc vứt rác bừa bãi ở TPHCM đã trở thành vấn nạn. Nguyên nhân cốt lõi là ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, môi trường của một bộ phận không nhỏ các cá nhân và doanh nghiệp chưa cao. Đồng thời, còn nhiều bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải và phát hiện đối tượng vi phạm.
Còn tại Đà Nẵng, dù được biết đến là địa phương dành nhiều giải thưởng về môi trường, có cả đề án xây dựng thành phố môi trường trong nhiều năm nhưng khi triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Đà Nẵng vẫn gặp khó. Nhận thức người dân chưa đồng đều đến phương tiện phân loại rác vẫn chưa hợp lý.
Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng - cho biết, Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, việc này đang gặp phải khó khăn do thói quen trong sinh hoạt của người dân.
“Như dự án Sở Công Thương phối hợp với tổ chức nước ngoài triển khai mô hình chợ hạn chế rác thải nhựa nhưng 2 năm nay chỉ mới công nhận 6 quầy hàng sinh thái cho 6 tiểu thương kinh doanh tại chợ Hàn. Tại chợ Hải sản quận Thanh Khê, khi tổ chức phát gần 100.000 túi phân hủy cho người dân nhưng họ mang về cất ở nhà, xách túi nylon đi chợ. Vấn đề nữa là người dân hiện nay rất ngại để thùng rác trước nhà. Về nguyên tắc thì thùng rác đặt giữa 2 nhà nhưng nhà này cứ đẩy qua nhà kia và ngược lại” - ông Chương nêu rõ.
Một khó khăn khác tại Đà Nẵng là việc thu gom rác hiện nay vẫn không có gì thay đổi. Phân loại rác theo quy định nhưng khi thu gom rác lại đổ hết vào một nơi. Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - cho biết, trong phân loại rác thải, phường hiện có mô hình thu gom ve chai bán gây quỹ được duy trì hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, phân loại rác thải tại khu dân cư cũng chỉ mới dừng lại ở đó chứ chẳng thể hơn.
Bởi thực tế, mỗi gia đình, có những nơi đã phân loại rác cơ bản rồi thì đến lúc thu gom, công nhân vệ sinh và xe thu gom rác lại đổ chung vào một nơi. Vậy nên, có phân loại bước đầu cũng thành công cốc.
Thách thức cho các địa phương
Đại diện UBND phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, hằng tháng phường tổ chức đối thoại giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền và đơn vị thu gom rác để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu gom, phân loại rác. Đồng thời, địa phương còn tuyên truyền và yêu cầu 100% hộ dân sinh sống, kinh doanh ở mặt đường trên địa bàn phường giữ gìn vệ sinh môi trường, trang bị thiết bị lưu chứa và phân loại rác thải…
Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, địa phương này đã sử dụng thiết bị flycam để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại các khu vực dự án có diện tích đất trống lớn; đồng thời sử dụng phần mềm GIS để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh, tái phát sinh rác thải để dễ dàng quản lý và chỉ đạo xử lý kịp thời.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 8.2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 80 - 98% rác thải rắn sinh hoạt tại thành thị và nông thôn được thu gom, xử lý… Hiện các địa phương khác cũng đang vào cuộc để thực hiện phân loại rác tại nguồn trên toàn tỉnh.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()