Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:52 (GMT +7)
Cuộc tổng đình công của 3 vạn thợ mỏ tháng 11/1936
Chủ nhật, 23/07/2023 | 14:24:46 [GMT +7] A A
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), phong trào cách mạng nước ta đã phát triển mạnh mẽ, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hoà nhịp đó, phong trào công nhân khu mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ mỏ cũng bước vào một thời kỳ phát triển mới, rộng khắp.
Tháng 4/1930, tại khu mỏ đã xảy ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân mỏ, như công nhân nhà sàng Cửa Ông căng biểu ngữ phản đối thực dân Pháp khủng bố cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Tiểu thương và nhân dân Hòn Gai bãi chợ, đấu tranh đòi giảm thuế môn bài. Kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1/5), đảng viên trẻ Đào Văn Tuất đã treo cờ búa liềm trên núi Bài Thơ làm chấn động Hòn Gai ngày 1/5/1930…
Trước phong trào cách mạng ngày càng lên, cuối năm 1930, đầu năm 1931, bọn chủ mỏ và chính quyền thực dân, tay sai bắt đầu chiến dịch khủng bố lan tràn. Hầu hết cán bộ Đặc khu uỷ Hòn Gai và các Đảng uỷ lần lượt bị bắt. Phong trào công nhân mỏ tạm thời lắng xuống.
Những năm 1932-1934, tuy không có các cuộc đấu tranh lớn nhưng phong trào cách mạng ở khu mỏ vẫn được duy trì. Tại những nơi làm việc, công nhân vẫn tiếp tục các hình thức đấu tranh, hoặc phản kháng.
Theo niên giám thống kê Đông Dương, tổng số công nhân khu mỏ Quảng Ninh năm 1936 là 37.200 người (số lượng công nhân toàn ngành mỏ là 43.800 người). Sản lượng than khai thác năm 1936 là 2,186 triệu tấn, tăng 411.000 tấn so với năm 1935. Mặc dù sản xuất mỏ phát triển song tiền lương công nhân vẫn bị hạ. Đồng lương rẻ mạt, giá cả lại tăng vọt khiến đời sống công nhân vô cùng khổ cực.
Trước tình thế đó, số đảng viên mới ra tù Côn Đảo về Cẩm Phả hoạt động đã liên hệ với số đảng viên, công hội đỏ ở mỏ bàn cách phát động quần chúng đấu tranh.
Ngày 12/11/1936, truyền đơn kêu gọi nghỉ việc xuất hiện ngay ở nơi công nhân lĩnh tiền vay.
Sáng sớm 13/11/1936, truyền đơn, áp phích kêu gọi đấu tranh đã xuất hiện ở những ngã ba, ngã tư, lối lên lò. Chỉ trong vài giờ, cuộc bãi công đã lan rộng. Hầu hết các cơ sở sản xuất ở Cẩm Phả đã ngừng hoạt động.
Ngày 14/11/1936, chính quyền thực dân từ Quảng Yên, Hải Phòng đem theo lính lê dương về để đàn áp cuộc bãi công nhưng công nhân đã xiết chặt hàng ngũ với lời kêu gọi “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!”. Tổng cộng, 1 vạn công nhân Cẩm Phả đã tham gia bãi công.
Sau 8 ngày, đến chiều ngày 20/11/1936, chủ mỏ phải tuyên bố chấp thuận các yêu sách của công nhân tăng lương, giảm giờ làm.
Tin thắng lợi của cuộc bãi công ở Cẩm Phả nhanh chóng lan khắp khu mỏ. Ngày 23/11/1936, công nhân Nhà máy Cơ khí Hòn Gai ngừng làm việc. Toàn bộ công nhân nhà sàng, than luyện, bến cảng, nhà máy điện cũng nghỉ việc, làm cho hệ thống sản xuất than ở khu vực Hòn Gai ngừng trệ. Chính quyền thực dân và tay sai đã huy động quân đàn áp. Nhiều công nhân bị thương, bị bắt nhưng công nhân vẫn không khuất phục. Chiều 28/11/1936, các chủ mỏ buộc phải tuyên bố chấp thuận các yêu sách của công nhân.
Cùng với Hòn Gai, công nhân các khu vực Mông Dương, Kế Bào, Cửa Ông, Cái Đá, Đồng Đăng, Vàng Danh cũng nhất loạt bãi công khiến bọn chủ mỏ hoảng sợ, chịu nhượng bộ, tăng lương.
Vậy là cuộc tổng bãi công trong 20 ngày của 3 vạn công nhân mỏ diễn ra gay go, quyết liệt đã kết thúc thắng lợi. Thắng lợi ấy có tiếng vang và ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh của công nhân toàn quốc, là cuộc tập dượt cho Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở khu mỏ sau này.
Với ý nghĩa to lớn ấy, ngày 12/11 đã được chọn là ngày truyền thống của công nhân Vùng mỏ, công nhân ngành Than. Tháng 11/1996, ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai tại TP Cẩm Phả - nơi mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()