Tất cả chuyên mục

Như tin đã đưa, vào dịp cuối tháng 1-2013, Ban Chỉ đạo kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức phát động cuộc thi Sáng tác VHNT, báo chí, tìm hiểu về Quảng Ninh nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh 30-10 (1963-2013). Có mặt tại lễ phát động, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo đã bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ rất đáng trân trọng. QNCT xin trân trọng giới thiệu một số ý kiến...
*Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam: “Hy vọng cuộc thi sẽ đón nhận được nhiều tác phẩm của các tác giả trên cả nước”:
Quảng Ninh là mảnh đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, nơi đã nuôi dưỡng, sản sinh ra một thế hệ các văn nghệ sĩ làm rạng danh đời sống văn nghệ nước nhà. Nhắc tới Quảng Ninh, người ta nghĩ tới một vùng than giàu có, nghĩ tới ngàn đảo đá Vịnh Hạ Long, nghĩ tới Yên Tử một vùng đất Phật linh thiêng, nghĩ tới một thế hệ văn nghệ sĩ như Võ Huy Tâm và bao người khác... Trong những năm qua, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ nơi đây tiếp nối lớp trước vẫn miệt mài sáng tạo các tác phẩm, công trình VHNT; đây là cơ sở để chúng ta hy vọng cho sự thành công của cuộc thi này.
Mảnh đất và con người Quảng Ninh với bề dày truyền thống yêu nước, với những trang sử giữ nước hào hùng của cả ngàn năm trước còn là nguồn sáng tạo của giới văn nghệ sĩ cả nước, dù chỉ một lần đến với Quảng Ninh hay đã từng đổ máu, mồ hôi trên mảnh đất này. Hy vọng cuộc thi lần này sẽ đón nhận được nhiều tác phẩm của các tác giả trên cả nước...
*Nhà thơ Mai Phương: “Tôi sẽ nghiêng ngòi bút về người thợ mỏ nhiều hơn...”:
Tôi đã ở mảnh đất này được 55 năm rồi, vào cái thời mà đời sống người dân còn rất khó khăn, Hồng Quảng phải ăn khoai lang, Hải Ninh phải ăn cháo thay cơm, các mỏ than rất đơn giản, làm thủ công là chủ yếu... 50 năm qua, Quảng Ninh đã thay đổi rất nhiều, giống như một giấc mơ vậy. Con người ngày càng lớn lên, người công nhân, người nông dân đều đã trưởng thành một bước khá dài, đôi khi nghĩ lại thì quá ngỡ ngàng.
Đặc biệt, tôi rất yêu quý người thợ mỏ, họ là tấm gương để tôi học hỏi, vươn lên, vậy nên dứt khoát khi sáng tác, tôi sẽ nghiêng ngòi bút về người thợ mỏ nhiều hơn. Giống như trước đây, tôi từng viết về họ, có một chừng mực thành công nhất định cũng về họ, bởi: Họ đã sống trong trái tim tôi/ Không giây phút nào ngừng dõi núi cao/ Người còn cao hơn núi/ Để mãi dòng suối than ngời chói/ Người của than luôn đứng ở trên cao... Cảm xúc thì như vậy đấy nhưng từ cảm xúc, yêu mến ra được trang văn hoàn toàn không đơn giản, chỉ có tấm lòng và trái tim thì xin hứa...
*Nhạc sĩ Vũ Việt Hồng: “Chúng tôi sẽ thổi luồng sinh khí của lớp người trẻ vào tác phẩm...”:
Là người nghệ sĩ, trước hết tôi hưởng ứng, ủng hộ cho cuộc thi này; còn để có tác phẩm, cần phải tìm hiểu và có cảm xúc thực sự thì mới làm được. Cuộc thi phát động để những người trẻ như chúng tôi, trẻ hơn nữa có thể tham gia nhưng ngược lại, tôi nghĩ chính những người trẻ cũng có thể quay ngược thời gian để hiểu hơn về đất và người Quảng Ninh nửa thế kỷ qua, cũng là những năm tháng mình không được trải qua, được tận mắt chứng kiến, cảm nhận... Đây là điều rất quý với những người trẻ.
Tôi sinh ra tại đây đã hơn 30 năm, cũng trải qua cả 2 giai đoạn là bao cấp rồi xoá bao cấp để có sự đổi mới bây giờ; những trải nghiệm ấy giúp tôi có được so sánh về sự khác biệt qua các giai đoạn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sáng tác của tôi. Đến cuộc thi này, đại diện cho một lớp người trẻ, một lớp người mới của Quảng Ninh, chắc chắn nếu có sáng tác chúng tôi sẽ thổi luồng sinh khí ấy vào những tác phẩm của mình, mang đến một cái gì đấy trẻ trung, là thông điệp của những người trẻ hôm nay.
*Hoạ sĩ Vũ Quý: “Gam màu sẽ có sự chuyển đổi với những hoà sắc mạnh, tươi sáng hơn”:
Thực tế là 50 năm mà chỉ gói gọn trong một bức tranh hiện thực thì tôi cảm thấy... chưa đã. Bởi đã là hội hoạ thường đóng đinh ở một hình ảnh, không giống một cuốn phim kể hết được một chặng dài; vì vậy, tôi nghĩ sẽ tìm một biện pháp nghệ thuật hiện đại để sáng tạo tác phẩm, như kiểu đồng hiện chẳng hạn thì may ra mới chuyển tải hết được. Ở bức tranh kiểu đồng hiện, tác giả phải tìm ra mốc lớn của các giai đoạn là đặc trưng của mảnh đất Quảng Ninh gắn với một hình ảnh cụ thể nào đó để tạo hình, như UNESCO công nhận di sản thế giới Vịnh Hạ Long, hay việc xây dựng cầu Bãi Cháy chẳng hạn... Trước đây, anh em hay dùng màu ghi xám để vẽ, giờ có thể gam màu sẽ có sự chuyển đổi với những hoà sắc mạnh hơn, tươi sáng hơn để tạo ra sự đổi thay.
Đây là cuộc thi mang tầm rất lớn của tỉnh gắn với một vùng đất trải qua nửa thế kỷ thăng trầm; nhưng đi vào sáng tác nghệ thuật thì tác giả phải biến nó thành của mình với những cảm xúc rất thực của riêng mình, đây là điều khó, thách thức mỗi tác giả...
*Nhà văn Dương Hướng: “Cuộc thi là cơ hội cho những tác giả trẻ của Quảng Ninh...”:
Cuộc thi này mở ở diện rất rộng, đối tượng phong phú, tôi nghĩ đây là cơ hội cho những tác giả yêu mến Quảng Ninh, nhất là các tác giả trẻ mà sự thành công của họ thường được khẳng định qua những cuộc thi; đồng thời nó cũng thể hiện tình cảm, thái độ đối với quê hương nơi mình đang sống. Đây cũng là cơ hội cho các tác giả trẻ ở Quảng Ninh bởi họ đang bước vào giai đoạn sáng tác “có nghề” với những cây bút giàu triển vọng như: Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên, Quỳnh Dao, Vũ Thị Hạnh, Thanh Nga v.v.. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy một số tác giả trung, cao tuổi khá hào hứng, họ dự định sẽ cho ra mắt nhiều tác phẩm đang ấp ủ lâu nay vào dịp này.
50 năm, VHNT nói riêng qua sự trưởng thành của Quảng Ninh rất giàu có về đề tài ở mọi lĩnh vực của đời sống với các giai đoạn, bước ngoặt lịch sử... có thể đi vào sinh động trong các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, cuộc thi có thành công hay không phụ thuộc vào các tác giả tham gia. Nếu việc phát động lan toả không chỉ tới những người sáng tác chuyên nghiệp mà cả không chuyên và đông đảo các đối tượng khác thì chắc chắn cuộc thi sẽ có sự thành công cao hơn.
Phan Hằng
Ý kiến ()