Kỹ sư Amazon cho biết anh phải viết hàng nghìn dòng code cho tính năng AI "trong môi trường không kiểm tra lỗi". Việc viết code dễ gặp lỗi và thành viên trong nhóm phải gọi cho nhau mọi lúc, kể cả nửa đêm, để khắc phục.
Trường hợp trên không phải cá biệt. Nhiều nhân viên AI khác tại Big Tech như Google, Microsoft, Meta nói họ đang chịu áp lực tương tự, thậm chí kiệt sức khi phải đẩy nhanh tốc độ ra giải pháp mới nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Làn sóng này được CEO Nvidia Jensen Huang ví như "khoảnh khắc iPhone" trong thế giới AI.
Đây cũng được xem là mặt tối của "cơn sốt vàng AI", khi hàng loạt công ty chạy đua xây dựng chatbot, tác nhân AI và công cụ tạo ảnh, video, cũng như đầu tư hàng chục tỷ USD cho các hệ thống đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
Tốc độ là số một
Theo kỹ sư Amazon, người không có ngày nghỉ cuối tuần để chạy đua với dự án, cấp trên của anh "dường như chỉ biết lựa chọn nhanh và ưu tiên tốc độ hoàn thành, thay vì chất lượng sản phẩm". Điều này khiến các kỹ sư phải hoạt động liên tục, nhưng dự án vẫn có thể hủy bỏ bất cứ lúc nào.
Trước thông tin trên, Amazon trả lời CNBC rằng công ty "tập trung vào việc xây dựng và cải tiến AI hữu ích, đáng tin cậy, an toàn". Người này nói thêm: "Thật không chính xác và gây hiểu lầm khi sử dụng câu chuyện thêu dệt của một nhân viên để mô tả trải nghiệm của tất cả nhân viên Amazon đang làm trong lĩnh vực AI".
Eric Gu, cựu nhân viên có bốn năm làm trong bộ phận AI của Apple, gồm kính Vision Pro, cho biết từ anh có thể dùng trong những ngày tháng cuối ở Apple là "bó buộc".
"Apple rất tập trung vào sản phẩm. Vì vậy, áp lực rất lớn của kỹ sư là phải ngay lập tức làm việc hiệu quả. Dù xung quanh có những người tài giỏi, việc học hỏi lẫn nhau rất khó vì không có thời gian", ông cho biết. "Thứ cần tập trung nhất là tốc độ. Nó khiến tâm trí bạn phải luôn nghĩ đến việc thực hiện và hoàn thành".
Tại Google, một thành viên AI cũng biết tình trạng kiệt sức đang diễn ra. Đây là kết quả của áp lực cạnh tranh khiến thời gian dự án bị rút ngắn, thiếu nguồn lực trong khi ngân sách bị giới hạn. Việc Google tung ra Gemini và nhanh chóng rút lại do phản hồi sai một phần đến từ nguyên nhân này.
Apple, Microsoft và Google từ chối bình luận.
Làm những điều vô nghĩa
"Đôi khi, bạn được yêu cầu đưa ra giải pháp cho một vấn đề không tồn tại bằng một công cụ mà bạn không muốn sử dụng", Morry Kolman, kỹ sư phần mềm độc lập và từng tạo dự án có 200.000 người dùng, nói.
Theo một kỹ sư Microsoft, nhóm của anh được giao nhiều nhiệm vụ xoay quanh việc "cố gắng tạo ra sự cường điệu về AI". Một thành viên trong nhóm nghĩ ra thuật toán để giải quyết một vấn đề cụ thể, nhưng bị gạt bỏ do không liên quan đến AI. Một thuật toán khác kém hiệu quả, đắt tiền và chậm hơn lại được trọng dụng do có liên quan đến mô hình LLM.
Một kỹ sư phần mềm tại "một công ty Internet lớn" cho biết nhóm được yêu cầu phát triển công cụ AI vì tính năng đó "đang hot". Nhiều năm làm việc ở lĩnh vực học máy, anh thấy làn sóng hiện tại đang bị cường điệu hóa. "Cứ hai tuần lại có một thay đổi lớn nào đó, nhưng cuối cùng có cảm giác mọi người đều đang xây dựng những thứ giống nhau", anh nói.
Người này cho biết mỗi nhóm phải trình bày sản phẩm AI dưới dạng demo cứ 2-3 tuần một lần, dù hầu hết "rất vô nghĩa". "Chúng tôi luôn phải ra sản phẩm nào đó để xoa dịu các nhà đầu tư và đấu tranh vì tiền", anh cho hay.
Trong khi đó, một nhân viên Google nói những thứ nhóm của cô đang phát triển không bền vững. Cô cho rằng cách tiếp cận của công ty giống như "chế tạo máy bay trong khi đang lái nó". Kỹ sư AI của Amazon cũng có quan điểm tương tự khi nhiều người "bị ném vào" các dự án AI nhưng chưa hề có kinh nghiệm thực chiến hoặc thậm chí chưa được đào tạo ở lĩnh vực này.
Dù vậy, họ cũng không dễ từ bỏ do lương cao. Dữ liệu do Business Insider thu thập cho thấy kỹ sư công nghệ tại tập đoàn hàng đầu như Apple, Meta, Google, Amazon có thu nhập hàng trăm nghìn USD mỗi năm, đặc biệt là trong mảng AI.
Ý kiến ()