Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:14 (GMT +7)
Cuộc chiến chống COVID-19 lên sân khấu kịch
Thứ 4, 12/01/2022 | 10:18:42 [GMT +7] A A
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021 tại TPHCM từ ngày 3-17/1. Các nghệ sĩ đã đem hình ảnh về cuộc chiến chống COVID-19 lên sân khấu.
Đại dịch COVID-19 đã lấy đi sinh mạng hàng chục ngàn người dân TPHCM, trong đó có không ít văn nghệ sĩ, nhưng nó không thể đánh gục được ý chí và khát khao nghệ thuật của người dân thành phố phương Nam. Trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021 có tới 26 vở diễn công phu được trình diễn. Mỗi đoàn một màu sắc, mỗi vở kịch một cao trào. Sự hồi sinh nhanh chóng của sân khấu kịch cho thấy nghệ sĩ nơi đây vẫn âm thầm tập luyện, sáng tạo trong đại dịch.
TPHCM có tới 20 đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021, trong đó có nhiều cơ sở dân lập, các sân khấu do nghệ sĩ thành lập và điều hành. Ngoài những nghệ sĩ tên tuổi, không ít đạo diễn và nghệ sĩ trẻ đang tạo ra nét mới cho sân khấu TPHCM. Một điểm khác biệt của Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021 tại TP HCM là các sân khấu đều mở bán vé và xem việc thu hút khán giả là một trong những tiêu chí thành công của các vở kịch, tránh việc dựng vở diễn mang tính “báo cáo”, “diễn xong xếp kho”.
Đạo diễn Tây Phong nói: “Do đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nên các sân khấu chỉ bán lượng vé hạn chế, nhưng theo tôi được biết, tất cả các vở diễn tại TPHCM đều bán hết sạch vé ngay từ khi Liên hoan được bắt đầu. Đó là niềm vui với các nghệ sĩ”.
Đạo diễn, diễn viên Tây Phong tham gia vở “Tấm và hoàng hậu” của Sân khấu Hồng Hạc (Nhà Văn hóa Thanh niên) với một suất diễn đặc biệt và duy nhất trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021. Anh nói: “Tấm và hoàng hậu là câu chuyện về hành trình gian nan và trầm luân đi tìm bản ngã của con người, vượt lên cuộc chiến giữa thiện và ác”. Vở “Tấm và hoàng hậu” thu hút rất đông khán giả trẻ cuối tuần qua, dù vở kịch diễn ra vào buổi sáng.
Tuyến đầu lên sân khấu kịch
Tối 10/1, Sân khấu Trịnh Kim Chi công diễn vở “Blouse trắng” tham dự Liên hoan. Vở kịch phản ảnh cuộc chiến khốc liệt của chính quyền, quân và dân TPHCM chống lại đại dịch COVID-19. Có lẽ lần đầu tiên người ta thấy những diễn viên nổi tiếng của TPHCM trong chiếc áo bảo hộ, bên máy thở, trên giường bệnh. Khán giả Thoại Phi nhận định: “Tính thời sự của vở kịch làm người xem sởn da gà khi nghe lại tiếng còi xe cứu thương kêu xé. Tiếng dây kéo bao đựng kín bên trong là xác người vừa ngưng thở vì cơn đại dịch thế kỷ. Rồi hình ảnh người chiến sĩ trao hũ tro hài cốt cho thân nhân người vừa mất… Tất cả những đau thương như ùa về qua tiếng nấc nghẹn của các nghệ sĩ trên sân khấu, bắt chợt hoá thành những tràng pháo tay từng hồi và cả những giọt nước mắt của khán giả”. Khán giả này viết: “Ký ức về giai đoạn buồn đó sẽ luôn nhắc nhở mọi người sống tốt hơn, yêu thương nhau hơn để xứng đáng trước hy sinh của những thiên thần áo trắng”.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi vào vai một bác sĩ có tinh thần thép và trái tim nhân hậu đem lại niềm tin không bao giờ tắt cho bệnh nhân và đồng nghiệp. Sau đêm diễn, chị chia sẻ: “Đêm qua khán giả đã đến với Blouse trắng… Trong khán phòng, tôi thấy có cả bác sĩ, bộ đội, công an và đặc biệt có cả các bạn tình nguyện viên đã xông pha ra tuyến đầu chống dịch trong những tháng cao điểm của thành phố… Tôi mong muốn mỗi khán giả đi xem sẽ thấy hình ảnh của mình trong đó. Tôi mong muốn vở kịch sẽ được lan toả và chạm đến trái tim của tất cả mọi người, bởi đây là những ký ức không thể quên”.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()