Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:26 (GMT +7)
Cuộc chạy đua giữa hai miền làm nóng bán đảo Triều Tiên
Chủ nhật, 24/10/2021 | 16:10:35 [GMT +7] A A
Tháng 10 này, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều có những hành động phô diễn các công nghệ và khí tài tối tân tự sản xuất trong nước.
Ngày 21/10, Hàn Quốc vừa có một bước tiến lớn khi phóng tên lửa không gian đầu tiên do nước này tự chế tạo.Việc có được tên lửa không gian nội địa là bước tiến lớn của Hàn Quốc để vào câu lạc bộ các cường quốc không gian tiên tiến. Việc sở hữu tên lửa riêng sẽ là chìa khóa cho các kế hoạch xây dựng hệ thống định vị và do thám dựa trên vệ tinh, mạng lưới thông tin liên lạc 6G và thậm chí cả tàu thăm dò Mặt Trăng của Hàn Quốc trong tương lai.
Kỷ nguyên vũ trụ của Hàn Quốc đang đến gần?
Tên lửa có tên là Nuri với trọng lượng 200 tấn, dài 47 mét, được trang bị 6 động cơ chạy bằng nhiên liệu lỏng tiêu tốn khoảng 2 nghìn tỷ won (1,6 tỷ USD) để phát triển. Tên lửa Nuri gồm 3 tầng khi được phóng đi đã tiến vào quỹ đạo mục tiêu cách Trái Đất 700 km, nhưng sau khi tách thành công 2 tầng, động cơ của tầng thứ ba còn lại đã phát nổ sớm hơn dự kiến và không thể đưa vệ tinh mô phỏng vào quỹ đạo.
Tuy vậy, Tổng thống Hàn Quốc vẫn cho rằng đây là một thành công lớn và khẳng định không lâu nữa, tên lửa sẽ phóng vệ tinh chính xác vào quỹ đạo và kỷ nguyên vũ trụ của Hàn Quốc đang đến gần.
Hàn Quốc khẳng định tên lửa Nuri không phải là vũ khí và vụ phóng vệ tinh hoàn toàn là vì mục đích dân sự, phía Triều Tiên cũng liên tục có những hành động phô diễn công nghệ tên lửa.
Vụ thử tên lửa lớn thứ 8 của Triều Tiên trong năm
Liên tiếp trong những tuần gần đây, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa siêu thanh. Gần đây nhất, ngày 19/10, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm từ vùng lân cận Sinpo, nơi đặt nhà máy đóng tàu ngầm chính của nước này. Đây là vụ thử tên lửa lớn thứ 8 của Triều Tiên trong năm nay.
Vụ phóng được thực hiện vào thời điểm Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ và người đồng cấp Nhật Bản đang có mặt ở Seoul để tiến hành cuộc họp ba bên với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói: "Thật đáng tiếc khi Triều Tiên đã liên tục phóng tên lửa kể từ tháng trước. Tôi không muốn phỏng đoán về ý đồ của Triều Tiên, nhưng sẽ tiếp tục thu thập thông tin để làm rõ hoàn cảnh hiện nay".
Triều Tiên trong tháng này cũng tổ chức triển lãm khí tài chưa từng có tiền lệ ở Bình Nhưỡng, dường như nhằm lấn át sự kiện quốc phòng tương tự của Hàn Quốc. Triều Tiên hôm 11/10 khai mạc Triển lãm Phát triển Quốc phòng 2021, với sự xuất hiện của những vũ khí hiện đại nhất trong biên chế nước này hoặc đang được thử nghiệm. Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày trước khi Hàn Quốc khai mạc Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Quốc tế Seoul (ADEX) 2021.
Điểm nhấn là khu trưng bày tên lửa đạn đạo tầm xa và phóng từ tàu ngầm, với các mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-12, Hwasong-17, Pukguksong-5 và tên lửa siêu vượt âm Hwasong-8, đánh dấu lần đầu tiên nước này công khai hình ảnh của loại vũ khí mới được phóng thử hồi tháng trước.
Trong khi đó, một ngày sau khi Triều Tiên thử tên lửa, phía Hàn Quốc cũng phô diễn những trang thiết bị tối tân nhất tại Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Quốc tế Seoul (ADEX) 2021.
Ông Lee Jong-Ho - Quan chức cấp cao Trung tâm Điều hành Triển lãm ADEX cho biết: "Bất chấp bối cảnh dịch bệnh, đây là triển lãm ADEX lớn nhất trong lịch sử với 440 công ty từ 28 quốc gia góp mặt".
Trong một động thái nhằm phô diễn tiềm lực quốc phòng, Tổng thống Hàn Quốc đã xuất hiện trong buồng lái tiêm kích FA-50 đáp xuống sân bay ở ngoại ô Seoul, nơi tổ chức triển lãm. FA-50 chính là tiêm kích siêu thanh đầu tiên do Hàn Quốc tự chế tạo và sẽ là mặt hàng xuất khẩu quốc phòng chủ lực.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In khẳng định: "Tôi có thể cảm nhận được sức mạnh tuyệt vời của chiếc FA-50, dòng tiêm kích do Hàn Quốc tự phát triển. Chúng tôi sẽ tạo ra một quân đội thông dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến và thúc đẩy hòa bình cùng với cộng đồng quốc tế".
Tại triển lãm này, Hàn Quốc cũng trưng bày nhiều công nghệ quốc phòng như máy bay không người lái, hệ thống huấn luyện dùng thực tế ảo, vũ khí laser và phương tiện cơ giới đa năng không người lái.
Trước đó, giữa tháng 9 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm thông thường. Vài ngày sau đó, Seoul khẳng định đã phát triển được loại tên lửa hành trình tầm xa mới. Chính phủ Hàn Quốc gần đây thông qua hàng loạt đợt tăng chi phí quân sự, với ngân sách 47,6 tỷ USD cho năm 2022, tăng 4,5% so với một năm trước.
Các diễn biến quân sự từ Triều Tiên đang được giới quan sát khu vực và thế giới theo dõi sát sao.
Ông Antoine Bondaz - Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp: Mọi phát triển quân sự ở bên này khu phi quân sự đều bị phía bên kia giới tuyến nhìn nhận như một mối đe dọa. Điều này khiến cho cả hai thúc đẩy phát triển hệ thống vũ khí để có thể nâng cao khả năng răn đe đối thủ.
Ông Patrick Cronin - Viện Hudson, Mỹ: Không chỉ có Triều Tiên mà Hàn Quốc cũng đang phản ứng và Triều Tiên không chỉ phản ứng với Hàn Quốc. Chúng ta phải đặt vấn đề này trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong đó có căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc, giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các mối quan hệ khác.
Ông A. B. Abrams - Chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên: Chương trình tên lửa tầm xa của Hàn Quốc có thể làm hợp pháp hóa chương trình tên lửa của Triều Tiên.
GS. Park Won-Gon - Đại học Toàn cầu Handong, Hàn Quốc: Việc các đồng minh tăng cường năng lực tên lửa chắc chắn sẽ có lợi cho Mỹ.
Mỹ dỡ bỏ cấm vận tên lửa với Hàn Quốc
Giới quan sát khu vực đang theo dõi sát sao chương trình tên lửa của Hàn Quốc. Cơ sở cho chương trình nâng cao năng lực quốc phòng này của Hàn Quốc đến từ việc Mỹ đã quyết định nới lỏng hạn chế đối với việc phát triển tên lửa của Seul. Việc Mỹ bật đèn xanh mang tới cơ hội cho Hàn Quốc được phép sở hữu toàn diện cả vũ khí tấn công lẫn phòng thủ mang tầm chiến lược.
Với Washington, việc Hàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là điều hoàn toàn chính đáng trong bối cảnh không có sự cân bằng về sức mạnh tên lửa giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Hàn Quốc hồi tháng 5 năm nay, Mỹ đã dỡ bỏ quy định cấm Hàn Quốc phát triển hoặc sở hữu tên lửa đạn đạo với tầm bắn tối đa hơn 800 km.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In nói: "Tôi vui mừng thông báo về việc chấm dứt những hạn chế về tên lửa. Đây là một minh chứng mang tính biểu tượng và lớn lao về sự vững mạnh của mối quan hệ liên minh Hàn - Mỹ".
Từ sau thời điểm đó, Hàn Quốc liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa. Ngày 15/9, Hàn Quốc đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo bắn đi từ tàu ngầm. Vụ thử đã đưa Hàn Quốc vào danh sách 7 quốc gia trên thế giới sở hữu tên lửa đạn đạo, đã bao gồm, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ và Triều Tiên. Đáng chú ý, Hàn Quốc là nước duy nhất sở hữu tên lửa đạn đạo mà không có vũ khí hạt nhân.
Vụ thử có sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In và là vụ thử tên lửa đạn đạo thứ ba trong năm nay của Hàn Quốc. Hai vụ đầu tiên diễn ra vào tháng 7 và tháng 8. Các tên lửa trong tất cả các cuộc thử nghiệm là Hyunmoo-4-4, một biến thể của Hyunmoo-2B được thiết kế để bắn từ tàu ngầm. Hyunmoo-2B có tầm bắn tối đa 800 km.
Với việc chính quyền của Tổng thống Biden và Tổng thống Moon Jae-In đồng ý dỡ bỏ các hạn chế về tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc vào tháng 5, hải quân Hàn Quốc có thể sẽ triển khai các dự án tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn trong tương lai.
Trở lại năm 1979, Seoul đã đồng ý mua tên lửa và công nghệ tên lửa của Mỹ dưới sự giám sát chặt chẽ của Washington. Theo thỏa thuận đầu tiên, tầm bắn tối đa của tên lửa Hàn Quốc là 180 km và trọng lượng của đầu đạn ở mức 500 kg. Sau đó tầm bắn được mở rộng lên 300 km vào năm 2001 và 800 km vào năm 2012. Kèm theo đó là xóa bỏ giới hạn về trọng lượng đầu đạn và dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa đẩy dùng cho các nhiệm vụ không gian.
Việc Mỹ dần thay đổi lập trường diễn ra trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên, khoảng cách về công nghệ tên lửa giữa Hàn Quốc và các nước láng giềng đang ngày một nới rộng.
Với việc tăng cường sức mạnh quân sự, Hàn Quốc đang cho thấy họ đang độc lập hơn, bớt phụ thuộc vào sự bảo vệ an ninh của Mỹ. Xu hướng này càng nổi trội trong 4 năm gần đây. Dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Trump nhiều lần nói đến khả năng cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.
Việc Hàn Quốc sở hữu kho tên lửa đạn đạo riêng đang đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Mục tiêu giải trừ quân bị cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang đứng trước một khúc quanh khó lường.
Mỹ để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên
10 tháng sau khi tiếp quản Nhà Trắng, chính sách của chính quyền Tổng thống Biden với Triều Tiên vẫn là "ném đá dò đường". Và Triều Tiên cũng gửi thông điệp khá rõ ràng đến các bên chính quyền của Tổng thống Biden đã không ít lần kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Đáp lại, Bình Nhưỡng chưa chấp nhận và yêu cầu Mỹ phải từ bỏ chính sách thù địch. Sự từ chối của Bình Nhưỡng khiến vấn đề hạt nhân rơi vào bế tắc, nhưng kể cả việc nếu có quay trở lại bàn đàm phán, thì chiến lược của hai bên như thế nào vẫn là điều khó đoán định.
Ngày 21/10, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, phía Mỹ khẳng định vẫn duy trì cánh cửa đối thoại.
Bà Linda Thomas-Greenfield - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho rằng: "Triều Tiên phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và đã đến lúc tham gia đối thoại bền vững và thực chất, hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi đã đề nghị gặp các quan chức Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện nào và chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi không thù địch với Triều Tiên".
Trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc vào giữa năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Bien từng cho biết ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng cuộc gặp sẽ diễn ra chỉ khi nào nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết có thảo luận về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Chính quyền Tổng thống Biden khẳng định sẽ không lặp lại sai lầm từ những người tiền nhiệm, gồm chính sách "kiên nhẫn chiến lược" thời ông Barack Obama hay "đại mặc cả" thời ông Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Mục tiêu của chúng tôi vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi muốn đạt được tiến bộ thực tế và tăng cường an ninh cho Mỹ và các đồng minh. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng những gì những người khác đã thử, những gì hiệu quả và những gì chưa hiệu quả. Phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu khó khăn và Mỹ không có ảo tưởng nào về việc đạt được mục tiêu này."
Trong bản đánh giá chính sách vào tháng 4, chính quyền Joe Biden không đưa ra chi tiết về kết quả rà soát chính sách đối với Triều Tiên, nhưng nhấn mạnh sẽ tập trung vào một "cách tiếp cận thực tế có sự điều chỉnh, trong đó sẽ khai thác con đường đối ngoại với Triều Tiên", đồng thời thực hiện "tiến độ thực tế" trong việc tăng cường an ninh cho Mỹ và các đồng minh."
Một sự điều chỉnh khác là ông Biden được hiểu sẽ ít tập trung vào việc phát triển mối quan hệ với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Thay vào đó, chính quyền Biden sẽ dành thời gian và nguồn lực nhiều hơn vào việc tham vấn với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In.
Ông Sung Kim - Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên cho biết: "Mỹ tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi sẽ tìm cách ngoại giao Triều Tiên để đạt được những tiến bộ cụ thể".
Về phía Triều Tiên, tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 diễn ra giữa năm nay, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un xác định: Triều Tiên cần chuẩn bị cho cả đối thoại lẫn đối đầu với Mỹ. Còn tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 diễn ra vào đầu năm nay đã xác định định đường lối và lập trường chính sách của Đảng về mở rộng và phát triển toàn diện quan hệ đối ngoại. Trong đó, có cả chính sách với Mỹ.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()