Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:48 (GMT +7)
Cúng tất niên vào ngày nào?
Thứ 7, 29/01/2022 | 19:26:02 [GMT +7] A A
Cúng tất niên là nghi lễ quan trọng đánh dấu một năm sắp qua và chào đón năm mới tốt đẹp hơn, vậy cần cúng tất niên vào ngày nào?
Lễ cúng tất niên là phong tục lâu đời và mang đậm nét đẹp văn hóa, bản sắc truyền thống của người Việt Nam, với ý nghĩa hoàn tất năm cũ và chào đón năm mới. Các gia đình báo cáo lên bề trên những gì được mất trong năm nay, những gì chưa làm được và mong muốn năm sau sẽ hoàn thành tốt. Đây cũng là dịp để mọi người hưởng thụ, nghỉ ngơi và tận hưởng thành quả của cả năm qua.
Lễ cúng tất niên cũng là lúc để gia đình và người thân đoàn tụ sau những tháng ngày lặn lội mưu sinh, tạm thời gác lại những áp lực, cùng nhau tận hưởng không khí đoàn viên ấm áp.
Lễ cúng tất niên nên làm vào ngày nào?
Thường thì lễ cúng tất niên ở nước ta được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm tính theo lịch âm (tức là ngày 30 tháng 12 âm lịch, còn được gọi là ngày 30 Tết, một số năm thiếu thì sẽ được tổ chức vào ngày 29 Tết). Riêng năm 2022 không có ngày 30 âm lịch nên có thể cúng muộn nhất vào ngày 29 Tết.
Tuy nhiên, một số gia đình tổ chức cúng tất niên sớm hơn, có thể là ngày 25, 26, 27 hoặc 28 tháng Chạp. Nhìn chung, thời gian tốt nhất để cúng tất niên vẫn là 2 ngày cuối cùng của năm cũ.
Để cúng tất niên, các gia đình cần chuẩn bị mâm cơm thật tươm tất để cúng gia tiên và những người đã khuất trong gia đình. Sau khi hạ lễ, mọi người trong gia đình sum vầy bên mâm cơm. Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới. Sau bữa cơm tất niên, mọi người chuẩn bị cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.
Lễ cúng tất niên cần có gì?
Mâm quả cúng gia tiên: Nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và vừa đủ chín. Không nên dùng trái cây còn xanh hay bằng nhựa để cúng gia tiên.
Mâm cỗ mặn gồm các món thông dụng sau, các gia đình có thể tùy ý thay đổi, thêm bớt:
- Miền Bắc: Canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào…
- Miền Trung: Bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua…
- Miền Nam: Bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò…
Nếu cúng chay, mâm cỗ tất niên có thể gồm các món sau:
- Rau củ xào chay
- Canh rau củ nấu chay: Nguyên liệu gồm bắp non, nấm rơm, nấm đông cô, bạch quả, đậu hà lan, đậu phụ, cà rốt, củ cải trắng, ngoài ra có hành, ngò để trang trí, gia vị các loại.
- Đậu phụ chiên xào nấm tươi: Cắt ngay ngắn những miếng đậu hũ thành dải mỏng, đem chiên chín và xào với nấm tươi, hành cùng các loại gia vị, rau thơm khác.
- Miến xào chay: Phi hành thơm, cho cà rốt, đậu que, súp lơ vào xào qua. Tiếp theo cho nấm rơm, đậu hũ xào vừa mềm, nêm một chút muối ăn. Khi các hỗn hợp thấm gia vị, đổ miến đã ngâm mềm và để ráo nước vào, đảo nhẹ tay. Món ăn chín tới thì cho ra đĩa, rắc thêm tiêu, ớt, hành ngò cho đẹp mắt.
- Giò, chả chay
- Xôi gấc
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()