Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:20 (GMT +7)
Cùng hành động vì một xã hội an toàn
Thứ 4, 24/07/2024 | 08:43:19 [GMT +7] A A
Quảng Ninh xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, phải được triển khai thường xuyên, lâu dài. Trong đó, lấy công tác phòng ngừa tội phạm là trọng yếu; tích cực đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ án; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ tốt nhất cho các nạn nhân; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức...
Kiên quyết đấu tranh, phòng chống mua bán người
Mặc dù những năm gần đây Quảng Ninh không phát hiện mới các vụ mua bán người trên địa bàn, nhưng với vị trí là tỉnh có biên giới trải dài trên biển và trên bộ nên tình hình tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp, khó lường. Do đó, lực lượng công an đã phối hợp với các cấp, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phòng, chống mua bán người hiệu quả, quyết không để Quảng Ninh là địa bàn trung chuyển nạn nhân; giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, thời gian qua Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch, nhằm đấu tranh ngăn chặn, phòng chống mua bán người. Trong đó có Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 25/5/2021 về triển khai thực hiện chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua, bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.
Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật, bổ sung, chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người trên cơ sở dữ liệu thống kê được xây dựng, kết nối giữa các ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả và xây dựng chính sách về công tác phòng, chống mua bán người.
Công tác truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng, đổi mới hình thức tuyên truyền được thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng nhóm nạn nhân, nhóm có nguy cơ trở thành nạn nhân, cũng như đặc điểm của từng địa bàn. Các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học cũng tích cực lồng ghép và truyền tải những thông điệp phòng, chống mua bán người.
Đồng bộ các biện pháp đấu tranh, trấn áp
Mua bán người là loại tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra tổng cộng hơn 50 vụ, hơn 90 đối tượng phạm tội mua bán người; kịp thời ngăn chặn, giải cứu gần 90 nạn nhân, hầu hết đến từ các tỉnh, thành khác trong cả nước. Trong đó, tội phạm chủ yếu tập trung trong giai đoạn 2012-2021.
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản kiểm soát tốt loại tội phạm này; các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh. Riêng năm 2022, không phát hiện, khởi tố điều tra những vụ việc liên quan đến mua bán người, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Vụ án gần đây nhất được TAND tỉnh đưa ra xét xử là vào tháng 12/2023, là vụ án “Mua bán người dưới 16 tuổi”, các bị cáo: Đào Duy Lâm (35 tuổi, trú tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) bị tuyên phạt 14 năm tù; Nguyễn Thế Anh (44 tuổi) và Lê Thị Sen (29 tuổi) đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Thọ Sơn (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), bị tuyên án 12 năm tù giam.
Theo cáo trạng, bất chấp hậu quả và biết là hành vi trái pháp luật, ngày 24/2/2023, Đào Duy Lâm đã nhận 8,32 triệu đồng thực hiện việc chuyển giao các cháu N và K đưa ra phường Hoành Bồ để nuôi và cung cấp cho các quán hát karaoke trên địa bàn làm nhân viên phục vụ. Ngày 3/3/2023, Nguyễn Thế Anh và Lê Thị Sen trả cho Đào Duy Lâm 11,3 triệu đồng để nhận chuyển giao 3 cháu K, N và H đưa về TP Bắc Giang, cung cấp cho các quán hát karaoke trên địa bàn. Vụ án được khám phá đã giải cứu thành công, các nạn nhân đều chưa đến 16 tuổi, giúp các em thoát khỏi cạm bẫy của nạn mua bán người, được trở về quê nhà và có tương lai tốt hơn.
Theo đánh giá của lực lượng công an, từ thực tiễn công tác điều tra, khám phá các vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh, nhận thấy loại tội phạm này thường là những đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan đến tội mua bán người, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép... Ngoài ra, hoạt động kinh doanh dịch vụ giải trí tại các địa bàn tuyến biên giới; dịch vụ trung tâm môi giới kết hôn, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi trá hình cũng là những đối tượng cần đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, một số trường hợp đối tượng phạm tội trước đó lại chính là nạn nhân, từng bị mua bán, hoặc là cha mẹ đẻ, người nuôi dưỡng của nạn nhân, do hạn chế về nhận thức, thiếu hiểu biết pháp luật và bức bách, khó khăn về kinh tế.
Các đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân, không chỉ nhắm đến phụ nữ, trẻ em có trình độ học vấn thấp, người DTTS, thậm chí là những em có khiếm khuyết về tâm thần, mà nay còn tập trung vào cả những nam giới có sức khỏe, thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook đăng thông tin tuyển dụng đi lao động ở nước ngoài với lời hứa hẹn lương cao, thực tế là bóc lột sức lao động, hoặc lợi dụng, ép thực hiện các hành vi lừa đảo công nghệ cao.
Đây là loại tội phạm "ẩn", diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, công tác xác minh, điều tra của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn do chứng cứ ít, thời gian lâu, việc mua bán diễn ra ở nước ngoài, nhiều người sau khi về nước thì ngại cung cấp thông tin… Việc thi hành Luật Phòng, chống mua bán người vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Những vấn đề này cho thấy công tác phòng, chống mua bán người đã và đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Do đó, để tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, Công an Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh phòng ngừa, nắm địa bàn, đấu tranh mạnh, xử lý nghiêm, triệt phá tận gốc khi phát hiện các hành vi mua bán người, mang thai hộ vì mục đích thương mại trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người tập trung hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, đặc biệt đẩy mạnh truyền thông qua báo chí và các trang mạng xã hội để tiếp cận được đa dạng lứa tuổi, địa bàn. Lực lượng công an cũng chú trọng công tác quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực XNC, quản lý biên giới, xuất khẩu lao động, kết hôn và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục những sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiên quyết không để tội phạm buôn bán người lợi dụng hoạt động.
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp thực thi pháp luật giữa Công an Quảng Ninh với Công an Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) trong phòng, chống mua bán người; giữa Công an TP Móng Cái với Công an TP Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) để kịp thời liên hệ, hỗ trợ xác minh, xác định, giải cứu nạn nhân và phối hợp điều tra, xử lý tội phạm mua bán người. Cùng với đó, tổ chức thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Khánh Nam
Liên kết website
Ý kiến ()