Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:23 (GMT +7)
Cưng chiều con có phải là hại con?
Chủ nhật, 17/12/2023 | 14:27:00 [GMT +7] A A
Các gia đình trẻ hiện nay gần như chỉ sinh một con đến hai con. Cuộc sống lại có điều kiện hơn ngày xưa nên có xu hướng cưng chiều con hết mức. Đứa trẻ quen được nuông chiều ngày càng đòi hỏi người thân của mình.
Bà N.N.M., 63 tuổi, ngụ ở quận 7, TP.HCM, kể cháu nội của bà mới hơn 1 tuổi nhưng đã được cưng chiều hết mức.
Cưng hơn trứng, hứng hơn hoa
Khi đứa trẻ chưa ra đời, trong nhà đã chất đầy các đồ dùng cho trẻ em. Trong đó quần áo hàng hiệu nhiều vô kể. Có nhiều bộ bé chưa kịp mặc thì đã không còn vừa nữa.
Khi đứa trẻ hơn 1 tuổi, trong nhà đã có hơn 100 đôi giày, dép. Rất nhiều đôi dép hàng hiệu với giá hơn 1 triệu đồng. Cháu bà M. cũng có riêng một phòng để đựng đồ chơi.
"Chỉ cần cháu khóc một tiếng là cả gia đình, ông bà ngoại, ba mẹ cháu đều lo lắng hết mức, nghe ngóng xem ý cháu thế nào, cháu muốn cái gì... Mà trẻ em cũng tinh ý lắm, biết người lớn xung quanh đều cưng chiều nên cũng hay khóc đòi này đòi nọ", bà M. kể.
Ba mẹ cháu lần đầu có một đứa con và cũng chỉ có ý định sinh một bé nên bao nhiêu sự cưng chiều dành hết cho cháu. Cháu chưa muốn gì đều đã có mọi thứ!
Bà M. chỉ có duy nhất một cậu con trai, là ba cháu. Ông bà ngoại cũng có duy nhất một cô con gái là mẹ cháu. Giờ ba mẹ cháu lại chỉ có cháu nên bà M. cũng hiểu tâm lý cả gia đình lớn, nhỏ đều tập trung vào cậu bé nhỏ hơn 1 tuổi này.
Nhưng riêng bà M. đã nhận ra với kiểu cưng chiều hết mức của ba mẹ cháu, của gia đình, cộng với điều kiện quá "dư thừa" về vật chất như thế này, cháu nội của bà dễ trở thành một cậu bé yếu đuối và ích kỷ. Cả gia đình chiều đứa trẻ nhưng liệu xã hội có chiều được cháu bà như vậy không?
Vợ chồng chị N.T.V., 38 tuổi, ngụ ở quận 5, cũng có duy nhất một cô con gái. Chị coi như công chúa trong nhà. Chồng chị V. đi làm kiếm tiền, còn chị chỉ ở nhà chăm con. Mọi sức lực, tâm huyết chị đều dành cho con, có điều chị lại chăm con theo kiểu cung phụng con.
Ngày con nhỏ, con đi đâu chị cũng cầm một bình nước theo, cứ vài phút chị lại mang bình nước đưa cho con uống. Con lớn một chút, chị V. nhất nhất nghe con theo kiểu con muốn gì được nấy. Ngay cả bạn chị V. dẫn con đến nhà chơi, con không thích bạn đó thì lần sau chị V. không mời bạn qua chơi nữa.
Lên cấp 2, con chị ngày càng không thích học và vào một ngày đẹp trời gần cuối năm học con tuyên bố: "Con không thích học trường công nữa. Năm sau nếu không được chuyển sang trường quốc tế học, con sẽ nghỉ học!".
Nghe con nói vậy chị V. vội vàng đi tìm hiểu các trường quốc tế và chuyển cho con sang học với nỗi sợ "con mà quyết nghỉ học thì chết dở".
Từ ngày sang trường quốc tế học, con nói con không muốn mẹ chở đi học bằng xe máy nữa, thế là chị V. phải hợp đồng với một tài xế lái xe hơi để chuyên đón đưa con đi học.
Dù đã nhất nhất nghe theo ý con, luôn cố gắng làm theo mong muốn của con nhưng có một ngày con nói thẳng với chị là "con không muốn mẹ đi họp phụ huynh cho con. Mẹ ăn mặc xấu, lại còn chẳng biết nói tiếng Anh" - tối hôm đó, chị V. đã khóc rưng rức một mình.
Khó tính với con là một cách yêu thương
Trái ngược với các bà mẹ trên, chị T.P.Q., 36 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh, dù rất yêu thương con nhưng lại luôn là bà mẹ "khó tính" và hay "đòi hỏi" con. Theo chị Q., mẹ nào mà chẳng thương con, con mình đứt ruột đẻ ra mà.
"Mình chiều con mình nhưng khi lớn con mình có sống với mình mãi đâu, con phải đi làm và chủ yếu sống với những người xa lạ. Nếu con lập gia đình thì người chồng, người vợ của con cũng là người xa lạ trước đó. Vậy con sẽ sống với những người xa lạ này kiểu gì nếu trước đó ba mẹ đã cưng con hết mức", chị Q. đặt vấn đề.
"Ba mẹ chiều con, chứ xã hội này ai sẽ chiều con mình? Một đứa trẻ được nuông chiều từ nhỏ ra ngoài xã hội sẽ khó hòa nhập, như vậy người đầu tiên khổ chính là đứa trẻ, ba mẹ trẻ là người khổ tiếp theo", chị Q. phân tích.
Trong hành trình làm mẹ, chị Q. cũng không dễ dàng cho con cái gì. Chị luôn nói với con "mọi thứ con muốn đều phải do bản thân con tự nỗ lực mới có được".
Có năm, cả lớp con chị học kêu rần về cô giáo chủ nhiệm khó tính, chứ riêng con cảm thấy bình thường.
Gặp tình huống, vào môi trường khó khăn nào con đều cảm thấy vui vẻ, vì chị Q. luôn khó hơn những bà mẹ khác, chị cũng dạy con biết nghĩ cho người khác. Khi về nhà, con đã kể chuyện cô giáo với chị, chị luôn nói với con nghề giáo viên vất vả lắm con. Mẹ dạy mình con đã mệt, cô phải dạy gần 50 bạn trong lớp rõ ràng mệt hơn rất nhiều. Chị dạy con có lòng biết ơn, lòng cảm thông...
Dù mang danh là một bà mẹ "khó tính", hay đòi hỏi con nhưng con chị Q. lại kính mẹ, rất yêu mẹ. Con làm một bài thơ hay tặng mẹ trong đó nói trời đất có bốn mùa, còn con là mùa thứ năm của mẹ với lời thơ đầy ngọt ngào, yêu thương...
Liên kết website
Ý kiến ()