Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:29 (GMT +7)
Cung cấp điện 6 tháng cuối năm 2024 sẽ được đảm bảo
Thứ 6, 28/06/2024 | 14:38:18 [GMT +7] A A
Theo tính toán, việc cung cấp điện 6 tháng cuối năm 2024 sẽ được đảm bảo, tuy nhiên vẫn cần quyết liệt triển khai các giải pháp tiết kiệm điện.
Điện sản xuất và nhập khẩu 6 tháng đạt 151,69 tỷ kWh
Theo thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như thời tiết nắng nóng, phụ tải và công suất cực đại tăng cao so với cùng kỳ, tuy nhiên với chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và sự chuẩn bị chủ động, vào cuộc quyết liệt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các doanh nghiệp năng lượng nhà nước như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty than Đông Bắc, các đơn vị phát điện; việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước và nhu cầu của nhân dân đã được đảm bảo tốt.
Công tác vận hành hệ thống điện đã được thực hiện bám sát Kế hoạch vận hành hệ thống do Bộ Công Thương phê duyệt, trong đó huy động cao nguồn nhiệt điện than, các nhà máy thủy điện được huy động theo tình hình thủy văn, nước về các hồ thủy điện và mục tiêu giữ nước để đảm bảo nguồn điện cho các tháng cao điểm cuối mùa khô năm 2024.
6 tháng đầu năm 2024, điện sản xuất và nhập khẩu (ĐXS&NK) toàn hệ thống ước đạt 151,69 tỷ kWh, cao hơn 776 tr.kWh so kế hoạch năm cập nhật tại Quyết định số 924/QĐ-BCT. Sản lượng ĐXS&NK bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 là 833,5 triệu kWh/ngày, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2023; Công suất cực đại (Pmax) toàn hệ thống điện là 48.880MW, tăng 7,87% so với cùng kỳ 2023.
Trong 6 tháng, cơ quan điều độ đã huy động từ nguồn nhiệt điện than đạt 86,4 tỷ kWh (chiếm khoảng 56,96% tổng sản lượng 6 tháng đầu năm), cao hơn 556 tr.kWh so với kế hoạch; nhiệt điện dầu huy động cao hơn 88 tr.kWh so với kế hoạch; nhiệt điện khí huy động khoảng 13,08 tỷ kWh.
Đối với nguồn thủy điện, trong 5 tháng đầu năm do tình hình thủy văn nước về kém nên hạn chế huy động và giữ cao mực nước các hồ thủy điện nhằm đảm bảo cung ứng điện miền Bắc. Tháng 6/2024, tình hình thủy văn thuận lợi, sản lượng thủy điện huy động cao hơn 2,454 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng đầu năm tổng lượng điện từ thuỷ điện huy động đạt 28,62 tỷ kWh (chiếm khoảng 18,86% tổng sản lượng 6 tháng đầu năm), cao hơn 658 tr.kWh so với kế hoạch.
Tính đến thời điểm này, mực nước các hồ thủy điện cuối tháng 6/2024 tương ứng với sản lượng điện là xấp xỉ 6,6 tỷ kWh, cao hơn 1,4 tỷ kWh so với kế hoạch năm (trong đó sản lượng các hồ thủy điện miền Bắc xấp xỉ 4,93 tỷ kWh cao hơn 1,04 tỷ kWh so với kế hoạch năm), đáp ứng mục tiêu giữ mực nước cao để đảm bảo cung ứng điện đến cuối mùa khô.
Các nguồn năng lượng tái tạo được huy động đạt 20,67 tỷ kWh (chiếm khoảng 13,63% tổng sản lượng 6 tháng đầu năm), trong đó nguồn năng lượng gió đạt 6,123 tỷ kWh, điện mặt trời đạt 13,88 tỷ kWh.
Đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế
Căn cứ vào diễn biến phụ tải thực tế tháng 6 năm 2024, các bản tin nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong các tháng cuối năm, theo tính toán của EVN thì hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng nhu cầu công suất phụ tải, tuy nhiên mức độ dự phòng công suất nguồn điện còn thấp.
Trong tháng 7/2024 với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố/suy giảm công suất, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất. Trong trường hợp này sẽ quyết liệt triển khai việc điều hành dịch chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm, đồng thời huy động thêm các nguồn phát Diesel mượn của khách hàng để đảm bảo cung ứng đủ điện.
Trong giai đoạn tháng 8 – 12, dự phòng công suất hệ thống điện miền Bắc vẫn còn thấp, các đơn vị phát điện cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đảm bảo duy trì công suất khả dụng và độ sẵn sàng của thiết bị.
Đối với hệ thống điện miền Nam và miền Trung đáp ứng đủ nhu cầu công suất đỉnh trong cả năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, các mỏ khí dừng hoạt động để bảo dưỡng sửa chữa và để đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống điện miền Nam, cần thiết huy động các nguồn linh hoạt như chuyển sang chạy bằng nhiên liệu dầu DO, bổ sung khí LNG cho các tổ máy tuabin khí và các tổ máy chạy dầu Cần Thơ, Thủ Đức ... để đáp ứng phụ tải đỉnh cũng như đáp ứng phụ tải cao điểm tối khi nguồn điện mặt trời không phát công suất.
Nhìn chung, dự kiến tổng sản lượng ĐSX&NK trong 6 tháng cuối năm 2024 tương đương so với Kế hoạch năm đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-BCT ngày 19/04/2024. Việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo.
Để đảm bảo điện cho 6 tháng cuối năm, Cục Điều tiết Điện lực sẽ triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ như nâng cao hiệu quả điều hành hệ thống điện và thị trường điện; đảm bảo đầu tư xây dựng các công trình điện; Tiếp tục thực hiện điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện; Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đàm phán giá với các dự án chuyển tiếp; đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với các dự án đã đến kỳ hòa lưới theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()