Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:50 (GMT +7)
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia
Thứ 6, 15/04/2022 | 07:57:57 [GMT +7] A A
Từ khi khai trương và đưa vào hoạt động, Cổng dịch vụ công quốc gia đã chứng minh được tính ưu việt trong công tác cải cách hành chính (CCHC) phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Là một trong những địa phương được lựa chọn thí điểm kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, Quảng Ninh đang tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng.
Cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng chính quyền điện tử, trong đó, tập trung ứng dụng CNTT vào công tác CCHC, trọng tâm là ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, chính xác và tiện lợi nhất.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, đã có 1.712/1.831 TTHC cấp tỉnh được triển khai trực tuyến ở mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Trong đó, ngoài việc đã sớm hoàn thành mục tiêu 100% TTHC của các sở, ngành, địa phương cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đến nay, Quảng Ninh đã cung cấp được 1.387 TTHC bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 75%).
Theo đánh giá của nhiều người dân và doanh nghiệp, dịch vụ công trực tuyến đã giúp họ thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn và tiết kiệm; đồng thời, góp phần công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tiếp cận, thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến phi thời gian, địa giới hành chính; tăng cường giám sát, đánh giá; kỷ luật, kỷ cương; hạn chế, phòng chống tiêu cực.
Với việc sớm xây dựng Cổng dịch vụ công và các thành quả trong CCHC, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Quảng Ninh được chọn là một trong 3 địa phương (cùng với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) thực hiện thí điểm việc kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia từ cuối năm 2019.
Từ thời điểm khởi đầu chỉ với 11 TTHC được kết nối, đến nay, tỉnh đã cung cấp được gần 1.200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ gần 80%), là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về cung ứng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng. Số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 được nộp và giải quyết qua cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của tỉnh đạt tỷ lệ gần 50%, trong đó tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt trung bình trên 99%.
Bà Lê Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đánh giá: Việc đưa các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ giải quyết TTHC mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn về khoảng cách địa lý và thời gian giải quyết. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ thông qua mã số biên nhận và có thể nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Tính ưu việt của Cổng dịch vụ công quốc gia chính là việc tiếp tục đưa nền hành chính hướng tới chất lượng phục vụ thực chất cho người dân, doanh nghiệp.
Để có được bước tiến lớn trong việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cách làm sáng tạo, đột phá chung của tỉnh, các sở, ngành, đặc biệt là các đơn vị ngành dọc trên địa bàn tỉnh cũng căn cứ vào hoạt động chuyên môn của mình có những cách làm riêng, giúp đẩy mạnh công tác CCHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Điển hình, tại Cục Hải quan tỉnh, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, nhất là bối cảnh dịch bệnh gây nhiều tác động tiêu cực kinh tế - xã hội, trong đó, có hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Hải quan tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp giúp giảm thời gian, chi phí trong việc nộp/xuất trình hồ sơ với cơ quan hải quan và đơn vị liên quan. Trong đó, đáng chú ý là việc triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia với 226 thủ tục của 13 bộ, ngành và cơ chế một cửa ASEAN theo đúng lộ trình của Tổng cục Hải quan.
Ông Trần Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan, cho biết: Hiện nay, tại 2 cảng biển, 23 kho ngoại quan và 1 điểm kiểm tra hàng xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, Cục Hải quan tỉnh đang quản lý, duy trì vận hành có hiệu quả hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử, triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT. Đồng thời, qua quá trình hoạt động thực tế, Cục Hải quan tỉnh cũng đã và đang đề xuất với tỉnh và các bộ, ngành chức năng phương án cắt giảm, chuẩn hóa lại hơn 20 TTHC, kiến nghị bãi bỏ 3 TTHC nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Cũng giống như cách làm của Cục Hải quan tỉnh, hiện tỉnh đang tích cực, tập trung triển khai nhanh việc tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa, chuẩn hóa và số hóa hồ sơ dữ liệu TTHC của tỉnh. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm nhất được tỉnh quyết tâm hoàn thành trong năm nay để làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu tỉnh đặt ra là trong năm 2022 sẽ tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp ở mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết TTHC.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()