Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:30 (GMT +7)
Cúm tăng bất thường, làm thế nào để bảo vệ trẻ?
Thứ 3, 23/08/2022 | 09:19:35 [GMT +7] A A
Mô hình bệnh truyền nhiễm thay đổi, không theo tính chất mùa như dịch cúm gia tăng vào giữa mùa hè. Trong khi đó, sức đề kháng của con người cũng thay đổi do bị béo phì, mắc bệnh mạn tính…
Chia sẻ bên lề hội nghị Nhi khoa mới đây, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, thế kỷ 21 là thế kỷ loài người đối diện với biến đổi khí hậu. Chính điều này làm thay đổi môi trường sống của các động thực vật, đặc biệt động vật hoang dã.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, xu hướng ở thế kỷ 21 nổi lên 4 nhóm bệnh chính: lây từ động vật hoang dã sang người, lây từ động vật nuôi sang người, lây từ gia cầm - thủy cầm và lây qua véc tơ truyền bệnh (muỗi, ve, bọ chét…).
"Mô hình dịch tễ của các bệnh truyền nhiễm thay đổi rất nhiều. Bệnh tật do vi sinh vật gây nên không theo tính chất mùa. Ví dụ, trước đây dịch cúm thường gia tăng vào mùa đông nhưng giờ giữa mùa hè cũng rất nhiều. Lý do vì người dân đi từ vùng đang lạnh, ủ bệnh khi trở về Việt Nam dù đang nóng nhưng vẫn phát bệnh bình thường", TS Kính phân tích.
Trong khi đó theo chuyên gia, sức đề kháng của con người cũng thay đổi. Đặc biệt, việc không kiểm soát được chế độ ăn uống khiến xuất hiện nhiều người bị béo phì (cả trẻ em và người lớn). Đây cũng là một loại bệnh nền khi mắc các bệnh nhiễm trùng thì dễ diễn biến nặng.
"Vì thế, điều quan trọng là tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch. Trụ cột chính là ăn uống, tập luyện và thuốc", TS Kính nói.
Chung quan điểm TS.BS Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tăng cường miễn dịch, quan trọng nhất là yếu tố về dinh dưỡng. Các vitamin, khoáng chất tham gia vào hệ thống miễn dịch của cơ thể đặc biệt là sắt và kẽm có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên thống kê của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ trẻ em Việt Nam thiếu sắt, kẽm đang ở mức cao.
"Sắt tham gia cấu tạo hồng cầu, đồng thời tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch như Lympho T. Đây là tế bào giúp chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Bởi vậy, khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm", TS Nga phân tích.
Trong khi đó, kẽm tham gia vào thành phần 300 loại enzyme, các phản ứng hóa học cũng như quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể. Kẽm vừa là thành phần cũng vừa là chất xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch (miễn dịch tế bào và miễn dịch trung gian, miễn dịch thích ứng). Kẽm cũng tham gia vào tăng sinh các hóc môn tăng trưởng giúp dài xương.
Để bổ sung hai vi chất quan trọng này, TS Nga cho rằng cần phải đảm bảo đầy đủ trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời kể từ khi còn trong bào thai.
Khi mang thai, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ và bổ sung thêm viên sắt như khuyến cáo. Trong 6 tháng đầu, các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn.
Trong quá trình cho con bú, mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và nên được bổ sung đa vi chất. Lượng sắt, kẽm dự trữ 3, 4 tuần cuối thai kỳ sang con chỉ dùng đủ trong 4-6 tháng đầu đời với điều kiện mẹ sinh đủ ngày đủ tháng và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai.
Sau 6 tháng, khi trẻ ăn dặm, các bà mẹ cần cho con ăn đủ dinh dưỡng bằng chế độ ăn hằng ngày. Kẽm và sắt có nhiều thực phẩm như thịt bò, trứng, thủy hải sản như hàu, sò, ghẹ, và một số loại rau lá xanh… Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm chỉ 5-15%, kẽm 10-30%. Đồng thời, khi uống bổ sung sắt, kẽm cần chú ý không quá lạm dụng vì sẽ gây thừa, TS Nga cho biết.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()