Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:42 (GMT +7)
Cúm A và cúm B có khác nhau không? Cúm nào nguy hiểm hơn?
Thứ 6, 04/11/2022 | 08:47:18 [GMT +7] A A
Cúm A và cúm B đều có những triệu chứng khá giống nhau. Con đường lây nhiễm, mức độ nguy hiểm gần tương đồng nhau.
Cúm là bệnh hô hấp diễn ra quanh năm nhưng phổ biến nhất là vào mùa thu đông, thậm chí có thể trở thành dịch. Cúm thông thường có thể tự khỏi nhưng đối với một số loại cúm như A, B có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách. Đặc biệt những người có bệnh mạn tính, người già và trẻ em.
1. Các loại cúm
Cúm có nhiều chủng khác nhau như A, B, C, cúm gia cầm, cụ thể:
- Cúm A có thể lây nhiễm sang người và động vật. Các loài chim hoang dã thường là vật chủ truyền nhiễm virus. Cúm A liên tục thay đổi và gây ra các đại dịch lớn như: H1N1, H2N2, H3N2,…
- Cúm B có thể gây ra các vụ dịch theo mùa thường chỉ ảnh hưởng đến con người. Có hai dòng cúm B: Victoria và Yamagata. Virus cúm B đột biến chậm hơn virus cúm A.
- Cúm C gây ra các bệnh nhẹ, không gây thành dịch và ít phổ biến hơn so với cúm A và B.
- Cúm gia cầm chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và khả năng lây nhiễm sang người thấp. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị nhiễm cúm gia cầm loại H5. Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm, vì vậy người bệnh không nên chủ quan.
2. Các triệu chứng của cúm
Mặc dù cúm có nhiều loại, mỗi loại cúm lại có những điểm khác biệt. Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng cúm ở người đều khá giống nhau, cụ thể:
- Mệt mỏi
- Nghẹt mũi
- Ho
- Đau đầu
- Đau họng
- Nhức mỏi cơ thể
- Ớn lạnh
- Sốt
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy, thường gặp hơn ở trẻ em
Một số người có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng như:
- Tức ngực
- Khó thở
- Đau dữ dội
- Sốt cao
- Co giật
- Chóng mặt
- Mất ý thức
Nếu các bạn gặp bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào nên đến bệnh viện để được chăm sóc và điều trị kịp thời.
3. So sánh cúm A và cúm B
Cúm A và cúm B là 2 loại cúm gây bệnh ở người phổ biến hơn cả. Theo các chuyên gia, khi mắc cúm A hay cúm B, người bệnh đều có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, mọi người không nên chủ quan trong quá trình điều trị khi bị cúm, nhất là người có bệnh mạn tính, hệ miễn dịch suy yếu, người già, trẻ em.
- Về mức độ phổ biến: Theo các nhà nghiên cứu, virus cúm A là nguyên nhân gây ra khoảng 75% các trường hợp cúm. Trong khi đó, virus cúm B chỉ chiếm khoảng 25% trường hợp cúm.
- Về khả năng lây nhiễm: Cúm A và B rất dễ lây lan. Con đường lây lan cũng giống nhau, có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, khi họ hắt hơi hoặc ho những giọt bắn chứa virus có thể đi vào mũi, miệng của người lành, sau đó gây bệnh. Ngoài ra, khi chạm tay vào các bề mặt, đồ vật nhiễm virus, sau đó cho tay lên mắt, mũi, miệng cũng là con đường lây nhiễm cúm phổ biến.
- Mức độ nghiêm trọng: Nhiều người cho rằng cúm B không nguy hiểm bằng cúm A. Nhưng nhìn chung, mức độ nguy hiểm có thể tương đương nhau.
Một nghiên cứu năm 2014 cho rằng người lớn nhập viện vì cúm A hoặc B có xu hướng nằm viện dài ngày tương tự. Họ cũng có tỷ lệ nhập viện chăm sóc đặc biệt và tử vong khi nhập viện tương tự.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy virus cúm B có nhiều khả năng gây tử vong ở trẻ em nhập viện từ 16 tuổi trở xuống. Mức độ trẻ từ 10 đến 16 tuổi mắc cúm B có xu hướng bị nặng hơn so với cúm A.
Hơn nữa, những người có sức đề kháng khỏe mạnh, khi mắc cúm thường có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ và thời gian phục hồi khá nhanh. Tuy nhiên, những người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai thường mắc bệnh với các triệu chứng nặng hơn, thời gian hồi phục lâu hơn.
- Biến chứng: Nếu điều trị và chăm sóc người bị cúm không đúng cách có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng như:
+ Biến chứng cúm A: tổn thương phổi, viêm xoang, hội chứng Reye, viêm tai giữa.
+ Biến chứng cúm B: nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm xoang, viêm phế quản, gây trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn, COPD (phổi tắc nghẽn mãn tính).
4. Cách phòng tránh cúm A và cúm B
Cúm A và cúm B đều gây bệnh với mức độ nghiêm trọng tương tự nhau. Phòng bệnh là cách tốt nhất để đảm bảo sức khoẻ, đặc biệt những người có hệ miễn dịch kém.
Một số biện pháp giúp phòng tránh cúm mà các bạn có thể áp dụng:
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách xây dựng chế độ ăn uống và lối sống hợp lý. Chẳng hạn, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, D, Kẽm, Magie. Tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng vì virus cúm có thể tồn tại trên các bề mặt và dính vào tay của chúng ta, sau đó xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh qua đường mắt, mũi, miệng.
- Khi thấy ai có biểu hiện hắt hơi, ho, sổ mũi, sốt nên hạn chế hoặc đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
- Tiêm chủng đầy đủ, nhất là trẻ em, những người trên 65 tuổi, những người có hệ miễn dịch kém.
Nhìn chung, cúm A và cúm B đều nguy hiểm nếu như điều trị không đúng cách. Khi thấy có những dấu hiệu của bệnh hoặc các triệu chứng trầm trọng hơn, các bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()