Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 18:20 (GMT +7)
Cực tăng trưởng năng động của cả nước
Thứ 6, 27/10/2023 | 06:15:24 [GMT +7] A A
Với tầm nhìn chiến lược, bước đi vững chắc, Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương, nay trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh Quảng Ninh hiện là một trong những trung tâm đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, là cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc, 7 năm liên tục (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số.
Đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực
“Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá tại cuộc làm việc với tỉnh ngày 6/4/2022. Để có được kết quả, trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn nghiêm túc quán triệt, sáng tạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện một cách khoa học, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo để tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đi tiên phong trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tạo bước phát triển bứt phá, nhất là giai đoạn sau 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020, đưa Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương đã trở thành một trong những tỉnh năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh từ năm 1991 đến nay luôn nằm trong tốp các địa phương cao của cả nước. Đặc biệt, trong thập kỷ gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và những xung đột ở châu Âu nhưng kinh tế của Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), gấp 4,89 lần so với năm 2010 (ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020, gấp 5,6 lần so với 2010). GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước (cao nhất ở khu vực phía Bắc), ước đến hết năm 2023 đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020. Thu ngân sách nhà nước của tỉnh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Trong 10 năm liền (2013-2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Nhiều năm liên tiếp nằm trong nhóm đứng đầu cả nước nhiều năm liên tục về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Hệ thống kết cấu hạ tầng của Quảng Ninh được quan tâm đầu tư phát triển, đã đầu tư được 3.182km đường giao thông, hoàn thiện trục cao tốc xuyên tỉnh dài 176km, là địa phương có số km đường cao tốc cao nhất cả nước. Nhiều công trình hạ tầng giao thông cảng biển, sân bay quốc tế, đường ven biển hình thành trước đó đã góp phần tạo liên kết vùng ngày càng chặt chẽ; gắn kết hài hoà giữa phát triển đô thị với nông thôn.
Đặc biệt, sau 12 năm kể từ khởi động đầu tiên năm 2010 đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao cả về đời sống vật chất, tinh thần và các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, thông tin truyền thông chất lượng cao, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy, nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Cộng hưởng của sự tăng trưởng đã đưa chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2020, sau Đà Nẵng, Hải Phòng) với điểm số đạt 63,1 điểm, cao hơn bình quân chung của vùng đồng bằng sông Hồng và bình quân chung cả nước. Và năm 2022 lần đầu tiên bảng xếp hạng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) được công bố, Quảng Ninh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí Hà Văn Hiền, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, chia sẻ: “Tỉnh ta có tiềm năng rất lớn, tài nguyên, khoáng sản nhiều, được sở hữu những thứ vô cùng quý giá, như có Vịnh Hạ Long, có các cửa khẩu quốc tế cả trên bộ và trên biển với đất nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới hiện nay. Trong rất nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định rõ là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và tỉnh cũng đã thực hiện rất xuất sắc vai trò này, hơn thế nữa còn là một trong những địa phương dẫn dắt cho nhiều đổi mới, đột phá trong khu vực Đông Bắc bộ”.
"Hạt nhân" gắn kết phát triển vùng
Với lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, kinh tế, chiến lược, có đủ các loại hình giao thông, hệ thống cửa khẩu quốc gia và quốc tế, Trung ương xác định Quảng Ninh có các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội để phát triển thành một trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.
Khai thác được những lợi thế vượt trội này, tỉnh xác định đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể sẽ tạo ra không gian phát triển mới, nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới, tạo tiền đề thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, liên vùng và hội nhập quốc tế... Với tư duy đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển bền vững, Quảng Ninh đã chủ động nhận diện và giải quyết những thách thức, hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là "nút thắt" về hạ tầng giao thông luôn được tỉnh xác định là huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội.
Từ kinh nghiệm phát triển hơn một thập kỷ qua, Quảng Ninh đã huy động nguồn lực đầu tư tuyến cao tốc kết nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Tuyến cao tốc kết nối cả 3 khu kinh tế trong tỉnh với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, phá thế độc đạo của Quảng Ninh, giúp kết nối 3 vùng động lực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tăng tính liên kết không chỉ trong nội vùng mà còn với quốc tế.
Cũng từ tuyến cao tốc này, Quảng Ninh cũng đã chủ động, phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh là Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng để thực hiện hợp tác kết nối trục hành lang cao tốc phía Đông, tạo thành chuỗi kinh tế liên kết có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh. Với vai trò đóng góp, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, các tỉnh tham gia kết nối đã thống nhất 8 nội dung hợp tác, tập trung vào liên kết, hợp tác trong một số lĩnh vực: Xúc tiến thương mại, đầu tư; giao thông và logistics; phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; phát triển du lịch, dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao và chế biến nông sản; cải thiện môi trường kinh doanh; chuyển đổi số và kết nối số...
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Quảng Ninh với cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đang trở thành địa phương có vai trò tiên phong trong kết nối, dẫn dắt nền kinh tế của cả vùng đồng bằng sông Hồng. Với tiềm năng, lợi thế có được của Quảng Ninh dẫn dắt trục cao tốc phía Đông khi hoàn thành tạo ra bước đột phá trong tư duy tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương trong tam giác động lực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô... mở ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế thương mại, du lịch dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế biển.
Khẳng định vai trò là trung tâm dẫn dắt, kết nối liên kết vùng, Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với TP Hải Phòng để xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông động lực, thúc đẩy liên kết vùng giữa 2 địa phương như: Cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng, cải tạo nâng cấp QL10 đoạn từ nút giao với QL18 - tỉnh Quảng Ninh đến cầu vượt Quán Toan - thành phố Hải Phòng; phối hợp với tỉnh Hải Dương để đầu tư xây dựng cầu Triều, đường ven sông từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, kết nối từ đường ven sông sang TX Kinh Môn và TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương)... Đồng thời triển khai xây dựng tuyến đường nối từ QL279 (xã Tân Dân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), cũng như tuyến đường tỉnh 342 nối từ Hạ Long lên Ba Chẽ sang Lạng Sơn để khai thác không gian núi rừng, mở ra cơ hội cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Bằng việc kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, đặc biệt là đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng từng bước đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên toàn vùng, bảo đảm nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lanh kinh tế theo quy hoạch; thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức, khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa gắn với các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế, các đô thị lớn, các khu kinh tế trọng điểm, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng đồng bằng sông Hồng và hợp tác phát triển “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc.
Liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo, Quảng Ninh cho thấy tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm để vươn lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Những thành tựu mà tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian qua là hành trang quan trọng để Quảng Ninh tiến gần hơn mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, năng động, trung tâm du lịch quốc tế, một cực tăng trưởng năng động của cả nước.
Thu Chung
- Sơ duyệt chương trình Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh
- Khai mạc Triển lãm thành tựu 60 năm tỉnh Quảng Ninh và Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2023
- Kết nạp lớp đảng viên nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh
- Biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim lưu động và triển lãm tranh cổ động “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển”
- Quảng Ninh có thêm 2 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
- Quảng Ninh - Phát triển ngay trong chiến tranh bom đạn (1963 - 1985)
- Diện mạo Quảng Ninh ngày nay (2016 - 2023)
- LLVT tỉnh Quảng Ninh: Đơn vị 2 lần Anh hùng
Liên kết website
Ý kiến ()