Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:55 (GMT +7)
Cục Quản lý Dược cần đề xuất giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề thiếu thuốc hiếm
Thứ 6, 30/12/2022 | 16:51:57 [GMT +7] A A
Mới đây, nhiều sản phụ - những phụ nữ có nhóm máu hiếm đang lo lắng vì hiện nay các bệnh viện đều hết sạch một loại sinh phẩm có tên Anti-D immunoglobuline humaine, được sử dụng trong quá trình mang thai và sinh con, nhất là trong cấp cứu sản khoa. Tình trạng thiếu một số thuốc, sinh phẩm thuộc danh mục thuốc hiếm là tình trạng diễn ra không phải lần đầu và không chỉ diễn ra tại một bệnh viện.
Thiếu thuốc hiếm - không chỉ thiếu một loại, một bệnh viện
Theo phản ánh, hiện nay nhiều bệnh viện phụ sản lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bệnh viện có khoa Phụ sản khác… đều không còn thuốc và không biết khi nào mới được nhập lại. Các thai phụ đã cất công tìm kiếm khắp nơi nhưng các nơi đều báo không có. Những thai phụ sắp đến kỳ sinh nở, hoặc đến thời gian cần được tiêm loại thuốc phòng ngừa này, đang vô cùng lo lắng, hoang mang.
Tình trạng thiếu một số thuốc, sinh phẩm thuộc danh mục thuốc hiếm là tình trạng diễn ra không phải lần đầu và không chỉ diễn ra tại một bệnh viện.
Trước đó, tháng 8.2022, hàng loạt bệnh viện nơi có các trung tâm can thiệp tim mạch hàng đầu Việt Nam đều gặp phải tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat (thuốc cầm máu và chống đông tiêu sợi huyết- PV) dùng trong phẫu thuật tim mạch. Lý do chính của việc này là do Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác.
Tiếp đó, ngay tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nặng cũng phải đối mặt nguy hiểm khi trung tâm đầu ngành về điều trị ngộ độc bị thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất.
Nếu như trước đây, bệnh nhân bị ngộ độc cấp, nặng nề, khẩn cấp, Bệnh viện Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân, nhưng bây giờ thì không thể như vậy. Bệnh nhân đành phải chờ đợi thầu, chờ đợi các thủ tục và hệ quả là bệnh nhân bị tổn thương não, khả năng tử vong cao. Một số loại thuốc hiếm như thuốc giải độc, huyết thanh kháng nọc rắn... hết sạch và đã có người bệnh tử vong.
Đại diện các bệnh viện chia sẻ, các loại thuốc hiếm thường được sử dụng rất ít, không thông dụng. Mặc dù ít, nhưng bệnh viện vẫn phải đấu thầu để có thuốc cho bệnh nhân sử dụng. Quy trình, thủ tục đấu thầu thì vô cùng phức tạp. Việc đảm bảo có thuốc cho bệnh nhân, dù rất ít bệnh nhân cần dùng, chính là thực hiện nghĩa vụ xã hội, rất nhân văn. Thế nhưng, khó khăn là các công ty cung ứng không hề mặn mà trong việc kinh doanh các loại thuốc hiếm, vì... không có lãi lời gì.
Mỗi khi có tình trạng thiếu thuốc hiếm xảy ra, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế lại cấp tập ra các văn bản chỉ đạo các đơn vị nhập khẩu tìm nguồn cung ứng, đồng thời khuyến khích động viên các đơn vị nhập thuốc về Việt Nam, cung ứng cho các cơ sở y tế cần. Thế nhưng, dường như động thái này chỉ có thể giải quyết được tức thời các vấn đề liên quan đến thiếu thuốc hiếm. Tình trạng thiếu thuốc hiếm sẽ "đến hẹn lại lên" như suốt thời gian qua. Vậy có một giải pháp căn cơ nào cho tình trạng thiếu thuốc hiếm lặp đi lặp lại hay không?
Nên chăng cho phép mua trực tiếp, không qua đấu thầu?
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS.TS Lê Ngọc Thành - nguyên Giám đốc Bệnh viện E - cho rằng: "Có một số loại thuốc không có lời lãi gì trong kinh doanh, không được ai quan tâm, các doanh nghiệp không mặn mà gì nhưng bắt buộc phải có và liên tục phải có, hết hạn thì buộc phải bỏ đi. Nhưng nếu không có thì bệnh nhân sẽ là đối tượng chịu thiệt".
Theo GS Thành, vấn đề thiếu thuốc hiếm, nhiều năm nay đã xảy ra và vẫn xảy ra, trong đó có những loại thuốc mà bệnh nhân "không có là chết" nhưng vẫn thiếu.
Để giải quyết vấn đề này, GS Lê Ngọc Thành cho rằng, Nhà nước cần có một chiến lược tầm quốc gia, để giải quyết vấn đề cho tất cả các bệnh viện trên cả nước mỗi khi thiếu các loại thuốc hiếm để cứu chữa người bệnh.
"Cục Quản lý Dược cần có đề xuất giải pháp chung, cụ thể cho vấn đề này" - GS Thành nói.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng: "Tôi cho rằng nếu Nhà nước cho phép các cơ sở y tế mua các loại thuốc hiếm có thể mua không thầu thì sẽ có thể giải quyết được tình trạng thiếu các loại thuốc, sinh phẩm thuộc danh mục hiếm. Có những loại thuốc hiếm mà hàng trăm, hàng nghìn người mới có 1 người dùng thì các cơ sở y tế, các công ty họ cũng không thể kinh doanh được vì không có lời lãi gì. Vì thế nên cho phép mua trực tiếp, không qua thầu, với mục đích cao nhất là phục vụ cho bệnh nhân, để có thể đảm bảo tính nhân văn mà thôi".
Theo PGS Trần Danh Cường, Anti-D là một loại huyết thanh, rất đặc biệt, thời hạn rất ngắn, nếu có kho quốc gia để điều phối cho các bệnh viện thì cũng... không giữ nổi. Hiện nay, tất cả các trang thiết bị y tế, thuốc... đều phải qua đấu thầu, vì vậy, mua vài liều thuốc thôi cũng phải đấu thầu thì các cơ sở y tế không mặn mà, có khi họ không làm được, và đối tượng chịu thiệt thòi chính là người bệnh.
"Như ở bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi không thể dự trữ sinh phẩm Anti-D, vì cực kỳ ít bệnh nhân có nhu cầu, mỗi năm chỉ có khoảng chục bệnh nhân cần sử dụng. Vì thế có dự trữ cũng không thể được vì loại huyết thanh này hết hạn rất nhanh" - PGS Trần Danh Cường khẳng định.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()