Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:58 (GMT +7)
Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị xử lý các rapper dung tục: Hướng nào cho đúng?
Thứ 7, 09/10/2021 | 12:00:09 [GMT +7] A A
Trong khi các rapper liên tục phải xin lỗi vì xúc phạm các tổ chức tôn giáo hoặc có những ca từ không “phù hợp thuần phong mỹ tục”, Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch kiểm tra, xử lý.
Đề nghị này được Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra trong bối cảnh gần đây, có một làn sóng kêu gọi tẩy chay trừng phạt những rapper sáng tác các bài hát được cho là xúc phạm đến các tổ chức tôn giáo.
Cùng với đó là nhiều chỉ trích liên quan tới các bài rap được đánh giá có nội dung tục tĩu, thậm chí cổ súy loạn luân.
Sáng 8-10, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Phạm Cao Thái về văn bản của Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi thanh tra bộ đề nghị kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân cung cấp các sản phẩm có nội dung vi phạm các quy định pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục trên các nền tảng mạng xã hội.
Chiều cùng ngày, ông Thái cho biết ông đã mời ông Lê Minh Tuấn - phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - mang tài liệu tới Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch để làm việc từ sáng nay 8-10.
Sẽ không chỉ xử phạt hành chính
Làn sóng chỉ trích này đã khiến rapper Chị Cả phải đăng lời xin lỗi khán giả vào khuya 5-10 vì đã không chọn lọc ngôn từ khi sáng tác bài rap Censored - bản rap bị cộng đồng chỉ trích nặng nề vì những lời lẽ dung tục, cổ súy loạn luân.
Tuyên bố xóa, ẩn tác phẩm bị phản ứng trên các nền tảng mạng, rapper này cũng hứa sẽ chọn lọc ngôn từ kỹ càng hơn nhằm tránh rơi vào câu chuyện tương tự.
Một nhóm rap đã phải xin lỗi vì bài rap xúc phạm, báng bổ tôn giáo, cam kết xóa video khỏi YouTube và cam kết không để bản rap lan truyền trên mạng.
Trưa 8-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Minh Tuấn cho rằng nhạc rap hiện nay được công chúng, nhất là giới trẻ yêu thích. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm có ca từ nhạy cảm, nội dung vi phạm các quy chuẩn đạo đức, pháp luật.
Vì vậy, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân cung cấp các sản phẩm có nội dung vi phạm các quy định pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục trên các kênh YouTube và nền tảng mạng xã hội khác.
Mức phạt cụ thể bao nhiêu, hình thức xử lý thế nào là do thanh tra bộ sau kiểm tra sẽ quyết định.
Cục còn đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử xem xét xử lý với những kênh đăng tải những sản phẩm vi phạm nêu trên và có biện pháp yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm theo đúng quy định của pháp luật về quản lý trên môi trường Internet.
Ông Tuấn cho biết những vi phạm này sẽ không chỉ xử phạt hành chính, về lâu dài, cần có chế tài quản lý chặt chẽ, rõ ràng hơn để tránh ảnh hưởng đến công chúng và các nghệ sĩ. Hiện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng đang tính đến việc phải xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn.
"Nơm nớp lo bị phạt thì ai dám sáng tạo nữa"
Phản ứng nhanh chóng của Cục Nghệ thuật biểu diễn trước những ồn ào liên quan tới các bài rap dung tục nhận được sự ủng hộ của một bộ phận công chúng, nhưng cũng có những luồng quan điểm khác.
Một số chuyên gia chính sách và nghệ sĩ lo lắng việc áp dụng xử phạt hành chính với những sản phẩm nghệ thuật biểu diễn được cho là "trái thuần phong mỹ tục" rất dễ rơi vào lạm quyền, bởi thế nào là thuần phong mỹ tục thì không có tiêu chuẩn đo lường chính xác, hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của nhà quản lý.
Xử phạt hành chính không thỏa đáng rất dễ dẫn tới cản trở phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo mà Nhà nước đang khuyến khích.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia chính sách công, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng việc lạm dụng xử phạt hành chính với những lỗi không có tiêu chuẩn định lượng được như "trái thuần phong mỹ tục" có thể dẫn tới nguy cơ làm cản trở quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, cản trở sáng tạo.
"Văn hóa là sáng tạo, mà nghệ sĩ lúc nào cũng nơm nớp lo bị phạt thì ai dám sáng tạo nữa. Chính phủ khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo thì các quy định pháp luật đừng áp dụng các tiêu chuẩn không định lượng được. Nhà quản lý chỉ nên xử phạt với các sản phẩm xâm phạm lợi ích trẻ em vì đó là đối tượng xã hội cần bảo vệ, còn lại thì nên áp dụng dán nhãn độ tuổi phù hợp."
Với những sản phẩm vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, hãy để công chúng tẩy chay, nghệ sĩ sẽ phải tự gỡ như đã thấy với trường hợp Rap Nhà Làm và Chị Cả, hoặc cơ quan quản lý đề nghị các nền tảng mạng gỡ bỏ.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về quan điểm trên, ông Tuấn nói:
"Phát triển công nghiệp văn hóa cần "phát huy lan tỏa tối đa những sản phẩm có giá trị nghệ thuật nhưng cũng cần hạn chế, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lưu hành, phổ biến những sản phẩm kém chất lượng, có nội dung vi phạm các quy định pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội. Bên cạnh việc công chúng lên tiếng, tẩy chay, thì cơ quan quản lý cũng cần có chế tài xử lý để hoạt động nghệ thuật ngày càng phát triển lành mạnh và góp phần thực hiện xây dựng phát triển đất nước, con người Việt Nam phát triển toàn diện."
Theo Tuổi trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()