Cua sống ngâm tương trong tiếng Hàn được gọi là gejang hoặc gejeot, tùy từng vùng miền. Đây là một trong các loại geotgal (món ướp muối hoặc ngâm tẩm tương ăn kèm với cơm hoặc dùng như gia vị để tăng hương vị khi nấu món khác). Từ gejang gồm hai chữ, ge nghĩa là cua và jang nghĩa là tương hoặc gia vị.
Gejang truyền thống được làm bằng cách đem những con cua còn sống ngâm với tương. Ngày nay, phiên bản gejang cay ngâm thêm tương và bột ớt được thực khách ưa chuộng hơn, từ đó hình thành cách gọi ganjang gejang để chỉ loại truyền thống, trong khi yangnyeom gejang để gọi cua ngâm đã nêm thêm gia vị kiểu mới.
Để gejang ngon phải chọn những con cua gạch rửa sạch và xếp chồng lên nhau thành từng lớp, phần mai cua úp xuống trong hũ sành. Nước tương đã được trộn sẵn, nấu sôi để nguội rồi rưới lên cua đến khi ngập hũ. Sau vài ngày, chắt tương ra tiếp tục nấu sôi để nguội và đổ vào hũ. Lặp lại bước này 3-4 lần trong khoảng hai tuần là có thể thưởng thức cua.
Trước đây, người Hàn Quốc chỉ dùng chamge (loại cua đồng Trung Quốc) thường thấy ở các dòng sông, suối, ven cửa sông và đồng lúa. Trong đó, cua bắt ở hạ lưu sông Imjin vào mùa thu là ngon nhất vì nhiều trứng và gạch. Tuy không nhiều thịt như cua nước mặn, chamge vẫn được đánh giá cao vì hương vị đặc biệt. Gejang từ cua đồng Trung Quốc thường mặn hơn so với gejang cua nước mặn. Vì vỏ dày hơn mà quá trình ngâm ướp tương có thể kéo dài vài tháng, và tương pha cũng cần hàm lượng natri cao để bảo quản được lâu hơn.
Khi lượng cua đồng Trung Quốc ngày càng giảm theo thời gian vì nhiều sông suối bị ô nhiễm, người Hàn Quốc bắt đầu tiêu thụ các loại cua nước mặn như cua biển và ghẹ để làm gejang. Hai loại này có kích thước lớn hơn cua đồng nhưng chỉ cần ngâm tương khoảng một tuần là ăn được.
Nhiều cuốn sách từ thời Joseon (1392-1910) đề cập tới gejang đã là món ăn của người Hàn Quốc từ thế kỷ 17. Theo cuốn Sallim Gyeongje, khoảng cuối thế kỷ 17, gejang làm bằng cua đồng ngâm muối, rượu gạo trong và bã rượu. Phương pháp này sẽ giữ cua để được lâu hơn. Ngoài ra, các ghi chép cũng nhắc tới nước muối, dấm và tương thường dùng làm nguyên liệu để bảo quản cua sống. Theo cuốn Gyuhap Chongseo, một bước quan trọng khi chuẩn bị làm gejang là đặt những con cua sống vào hũ sành có thêm một vài miếng nhỏ thịt bò sống, để hương vị ngọt đậm hơn. Cũng theo các tư liệu cổ, gejang được xem là đặc sản và làm món ăn kèm trong các bữa cơm của hoàng đế Hàn Quốc nhiều thế kỷ qua.
Với dân Hàn Quốc, cua ngâm tương là món rất tốn cơm vì vị mặn đặc trưng, những người thích gejang thường ăn với cơm ngon tới mức họ không nhận ra đã ăn nhiều cơm cỡ nào. Thực khách có thể ăn gejang theo nhiều cách khác nhau, một số hút thịt mềm trực tiếp từ vỏ cua, số khác lại mê kiểu trộn thịt và trứng cua với cơm ngay trong chiếc mai.
Ở Hàn Quốc, ghẹ có hai mùa trong năm là tháng 4 đến 6 khi những con cái đầy trứng và thịt chắc ngọt, và tháng 9-10 khi con đực béo hơn. Ghẹ cái thường có hương vị ngon hơn đực vì có thêm gạch và trứng mềm như bơ sau khi ngâm tương xong. Trong khi đó, cua đồng Trung Quốc được đánh bắt vào tháng 8-11 và chỉ ở khu vực sông Imjin ở tỉnh Gyeonggido gần Paju, các cánh đồng và suối nhỏ của tỉnh Gyeongsangdo.
Ý kiến ()