Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:09 (GMT +7)
Cụ thể hoá Bộ quy tắc ứng xử
Thứ 7, 06/02/2021 | 15:09:54 [GMT +7] A A
Sau gần 1 năm triển khai, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với những nội dung cụ thể, thiết thực đã góp phần tạo được chuyển biến đáng kể trong văn hóa ứng xử từ mỗi gia đình, dòng họ tới công cộng. Việc tuyên truyền, vận động đã được quan tâm đẩy mạnh dưới nhiều hình thức phong phú.
Du khách tham gia dọn rác khi đến tham quan các điểm cột mốc biên giới tại huyện Bình Liêu. |
Ngày 20/4/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 1310/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, áp dụng cho tất cả các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn tỉnh. Bộ quy tắc có 4 chương với 41 điều đã nêu rõ, việc tổ chức thực hiện Bộ quy tắc nhằm hướng đến xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức từ trong mỗi gia đình, dòng họ, trong cộng đồng nơi cư trú... cho tới những nơi công cộng, trên môi trường mạng xã hội. Đặc biệt là nêu ra quy tắc "5T” trong cách ứng xử chung (Thượng tôn pháp luật; tôn trọng bản thân và người khác; tôn trọng và bảo vệ môi trường; thân thiện, văn minh, hào sảng; trách nhiệm với bản thân và cộng đồng).
Ngày 9/3/2018, Tỉnh uỷ Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với mục tiêu: Giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Đây là nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc. |
Để những nội dung của Bộ quy tắc nhanh chóng đi vào cuộc sống, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện, đồng thời chú trọng những nội dung này là một trong số các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua từ cơ sở. Đơn cử như: Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ nghiên cứu, lồng ghép các nội dung quy tắc ứng xử vào nội dung giảng dạy tại các nhà trường. MTTQ và các tổ chức CT-XH thì tham gia tuyên truyền, tổ chức thi đua sôi nổi để quán triệt việc thực hiện Bộ quy tắc trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia phối hợp tuyên truyền thường xuyên, liên tục, vừa đóng vai trò giám sát việc thực hiện...
Từ kế hoạch, phân công nhiệm vụ phối hợp thực hiện như trên, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã chủ động tiếp cận với các nội dung của Bộ quy tắc ứng xử, linh hoạt vận dụng bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp thực tiễn. Tại các địa phương, đơn vị, nội dung về xây dựng văn hóa công sở được triển khai quyết liệt và đồng bộ, tạo sự thay đổi toàn diện từ mỗi cá nhân cho đến từng đơn vị. Từng đơn vị chuyên môn duy trì nền nếp trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào công việc, giữ khuôn viên xanh, sạch, đẹp, văn minh. Mỗi công chức thực hiện nhiệm vụ của mình một cách kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp. Hiệu quả mang lại là giúp cho hiệu quả công việc nâng lên, chất lượng phục vụ người dân tốt hơn, công sở có kỷ cương, dân chủ đúng mực, rõ trách nhiệm người đứng đầu...
Hội viên phụ nữ thôn Tân Thanh (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) thực hành phân loại rác tại gia đình. |
Xây dựng văn hóa - con người Quảng Ninh là chủ trương lớn, được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đẩy mạnh thực hiện trong nhiều năm qua, và thể hiện rõ qua Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn được UBND tỉnh ban hành từ tháng 4/2020. |
Hay tại các khu dân cư vùng nông thôn, việc hình thành phong trào bảo vệ môi trường sống, xây dựng những tuyến đường hoa... là cách để chính quyền và nhân dân các địa phương cụ thể hóa từ quy tắc ứng xử cho mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng, chung tay xây dựng NTM, phục vụ đời sống dân sinh. Nhiều nơi, người dân tự nguyện bỏ công sức, góp kinh phí, bàn giao mặt bằng để nâng cấp đường giao thông, lắp đặt thùng rác công cộng, nhân rộng đường hoa tới tận từng ngõ xóm, từng nhà.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các địa phương trong tỉnh còn thực hiện nhiều đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, nhân rộng điển hình, đồng thời xử lý những tồn tại nhằm mang lại hiệu quả thực sự trong thực hiện quy tắc ứng xử. Nội dung này cũng được nêu tại Điều 40 của Bộ quy tắc ứng xử: Các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy tắc ứng xử sẽ được biểu dương khen thưởng theo quy định; các hành vi vi phạm tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()