Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:27 (GMT +7)
Mùa xuân, nghe khúc hát văn
Chủ nhật, 13/02/2022 | 09:48:39 [GMT +7] A A
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, tại các di tích danh thắng, trong không gian lễ hội ở Quảng Ninh, những khúc hát văn lại vang lên một cách rộn ràng.
Hát văn còn gọi là hát chầu văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo của cha ông ta. Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có ghi: "Thời Trần có lối hát trước mặt đế vương, gọi là hát chầu". Rất có thể đây là điệu hát chầu văn hình thành sớm nhất, sơ khai nhất.
Thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của hát văn là vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh, hát chầu văn được coi là hình thức ca hát tín ngưỡng. Người xưa tin rằng, thông qua lời hát chầu văn có thể thiết lập kênh giao tiếp với các mẫu, với các chư vị nhân thần để bày tỏ nguyện vọng và niềm mong ước đầu năm. Đặc biệt, các mẫu trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là biểu tượng có cội nguồn từ sâu thẳm nơi ký ức của cả cộng đồng dân tộc...
Hát văn vốn là một thể thức diễn xướng tổng hợp, gồm có đàn, hát, múa..., một thể thức biểu hiện có dung nạp trong đó các yếu tố nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian. Lời hát còn nhận được sự bổ trợ của dàn nhạc, điệu múa phụ hoạ nên càng sinh động hấp dẫn người xem. Hát văn gần gũi với hát chèo. Nhiều người hát chèo chuyển sang hát văn rất hay.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thanh Mai, nguyên Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh cho biết, hát văn và hát chèo rất gần gũi với nhau. Tuy nhiên, hát văn thích hợp hơn với không gian mùa xuân và lễ hội bởi nội dung lời hát, cũng như nghệ thuật diễn xướng của nó.
Hơn thế nữa, nghệ thuật trình diễn dân gian trong nghi thức chầu văn của người Việt mang tính sân khấu hoá và tính ước lệ cao. Người trình diễn chỉ có một mình mà lại thể hiện được rất nhiều vai diễn, thể hiện hoàn toàn bằng tâm trạng và gương mặt qua các giai điệu hát chầu văn để kính dâng lên cửa thánh cầu cho quốc thái dân an, cầu cho muôn dân trăm họ có được một năm mới mạnh khoẻ, bình an hạnh phúc. Vì thế, chầu văn đòi hỏi người diễn xướng phải có bản lĩnh sân khấu tự nhiên và phải được học những điều cơ bản nhất của loại hình nghệ thuật này. Có lẽ, cũng chính vì tính chất ước lệ và tính sân khấu hoá cao nên hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi nghi lễ mà hát văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng, phù hợp với sân khấu hóa.
Có một thời gian dài do bị hiểu sai là mê tín dị đoan nên hát chầu văn bị cấm và dần dần mai một. Đến đầu những năm 1990, nó được trả lại sự trong sạch vốn có. Tuy nhiên, lúc này các lão nghệ nhân (cung văn) đã qua đời rất nhiều, những ca nương còn lại rất ít. Những năm trở lại đây, giới trẻ ở Quảng Ninh đã tiếp nhận loại hình nghệ thuật này một cách tích cực và gần gũi hơn thông qua nhiều tiết mục hát văn trong hội diễn, liên hoan, thậm chí có cả những game show truyền hình, những cuộc thi. Điều đó cũng giúp giới trẻ thêm hiểu và tự hào về truyền thống của dân tộc.
Đặc biệt, ở Quảng Ninh hiện nay, có bé Kim Huy, 13 tuổi, học sinh Trường THCS Cao Xanh (TP Hạ Long), có năng khiếu và niềm say mê mãnh liệt với loại hình diễn xướng dân gian này. Là một nhân tố được phát hiện trong Cuộc thi tìm kiếm tài năng Hạ Long tại phòng trà Hạ Long By Night (TP Hạ Long), Nguyễn Kim Huy đã tiếp tục theo đuổi lối hát văn với chất giọng hát cao, vang, phong cách biểu diễn tự tin.
Hát văn xưa kia diễn ra nơi cửa đền, đình trong những ngày đầu xuân, ngày lễ hội thì ngày nay cung văn còn có thể hát chầu văn phục vụ khách hành hương đi lễ. Thường thì cung văn sẽ hát văn về vị thánh thờ tại đền, đình và hát theo yêu cầu của khách hành hương. Nhiều khi lời ca tiếng hát được coi như một bài văn khấn nguyện cầu các mong ước của khách hành hương. Hiện nay, hát văn, hát chầu văn tiếp tục được hát nhiều trong lễ hội truyền thống, đặc biệt là hội xuân Yên Tử. Không gian của non thiêng Yên Tử với dòng người đổ về đi hội đầu xuân là địa điểm lý tưởng cho những khúc hát văn vang lên.
Nghệ thuật chầu văn đang được quan tâm bảo tồn và đã đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Việc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới như một chìa khóa mở cửa cho loại hình nghệ thuật hát văn đến gần hơn với người dân, khách du lịch và bạn bè quốc tế. Hát văn góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Quảng Ninh thông qua loại hình văn hóa phi vật thể này.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()