Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:57 (GMT +7)
COVID-19 tới 6h sáng 26/12: Kỷ lục trên 100.000 ca nhiễm mới, Pháp đứng đầu thế giới
Chủ nhật, 26/12/2021 | 07:10:00 [GMT +7] A A
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 472.000 ca nhiễm và 3.796 ca tử vong. Pháp đứng đầu thế giới với trên 100.000 ca nhiễm mới.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 22/12 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 279.801.947 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.412.909 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 472.103 và 3.796 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 250.003.994 người, 23.121.544 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 88.962 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 104.611 ca; Italy đứng thứ hai với 54.762 ca; tiếp theo là Mỹ (40.458 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 981 người chết trong ngày; tiếp theo là Ba Lan (269 ca) và Ukraine (268 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 53.026.765 người, trong đó có 837.779 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.781.380 ca nhiễm, bao gồm 479.520 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.234.626 ca bệnh và 618.429 ca tử vong.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 84 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 83,26 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 63 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,44 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 9,54 triệu ca và châu Đại Dương trên 454.000 ca nhiễm.
Pháp ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới trong 24h
Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Pháp đã lên mức 6 con số trong ngày 25/12 sau khi các quan chức y tế nước này xác nhận 104.611 ca nhiễm mới trong 24h qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới tại Pháp lên mức cao kỷ lục.
Số liệu mới nhất được công bố trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ có cuộc họp với các quan chức chủ chốt trong chính phủ vào ngày 27/12 tới để thảo luận các biện pháp mới phòng chống dịch.
Israel: Thêm gần 600 ca Omicron
Bộ Y tế Israel ngày 25/12 thông báo trong ngày đã phát hiện thêm 591 ca nhiễm biến thể Omicron, đưa tổng số ca nhiễm biến thể mới tại nước này lên 1.118 ca, trong đó 723 ca trở về từ nước ngoài.
Bộ Y tế Israel cũng cho biết có 861 ca khác thuộc diện "nghi ngờ cao" đang chờ kết quả xét nghiệm chính thức.
Cùng ngày, các chuyên gia Đại học Hebrew (Israel) cảnh báo với tốc độ tiêm chủng hiện nay, đến cuối tháng 1/2022, trẻ em sẽ chiếm 4% tổng số ca COVID-19 nặng tại Israel. Ngày 24/12, tại Israel đã có thêm 1.775 ca nhiễm mới COVID-19, tăng hơn 50% so với ngày hôm trước.
Ireland, Bồ Đào Nha: Ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục từ đầu dịch
Bộ Y tế Ireland ngày 24/12 ghi nhận 11.182 ca mắc mới COVID-19, mức theo ngày cao nhất kể từ khi bùng phát dịch tại nước này. Khoảng 83% ca mắc mới hiện nay ở Ireland liên quan đến biến thể Omicron.
Ireland phát hiện ca đầu tiên nhiễm Omicron ngày 1/12, nghĩa là trong chưa đầy một tháng, đa số ca nhiễm mới ghi nhận ở nước này là ca nhiễm biến thể này. Để chống lại biến thể siêu lây nhiễm này, Ireland đã đẩy mạnh chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường. Tất cả các nhóm tuổi sẽ được tiêm mũi tăng cường từ ngày 10/1/2022, song song với chương trình tiêm mũi đầu tiên cho trẻ từ 5-11 tuổi. Hiện tại ở Ireland chỉ người từ 40 tuổi trở lên ở trong diện tiêm mũi tăng cường.
Tính đến ngày 23/12, hơn 1,96 triệu liều vaccine tăng cường đã được tiêm tại Ireland, chiếm gần 40% dân số nước này.
Cũng tại châu Âu, Bồ Đào Nha ngày 24/12 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất trong vòng 11 tháng qua, với 12.943 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 11 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 18.851 ca kể từ đầu dịch. Theo giới chức y tế Bồ Đào Nha, số ca tử vong được ghi nhận nhiều nhất ở nhóm người trên 80 tuổi, tổng cộng 12.241 ca từ đầu dịch.
Bồ Đào Nha đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới đến ngày 5/1/2022 để kiểm soát dịch, như bắt buộc làm việc từ xa, đóng cửa các quán rượu, câu lạc bộ ban đêm. Chứng nhận tiêm phòng và xét nghiệm âm tính là yêu cầu bắt buộc đối với người đến các nhà hàng, bữa tiệc và các điểm du lịch.
Nam Phi dừng truy vết và cách ly người tiếp xúc với F0
Ngày 24/12, Bộ Y tế Nam Phi thông báo dừng ngay lập tức việc truy vết và cách ly những người tiếp xúc với các ca xác nhận dương tính với COVID-19 (F0).
Theo đó, hoạt động truy vết sẽ chỉ còn được áp dụng với những trường hợp tụ họp đông người hoặc có chùm ca lây nhiễm, khu vực khép kín. Tất cả những người tiếp xúc với các ca dương tính với COVID-19 dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccine đều được hướng dẫn sinh hoạt và làm việc bình thường, chú ý theo dõi thân nhiệt hàng ngày và kiểm tra xem có bất kỳ triệu chứng ban đầu nào của việc nhiễm bệnh. Việc xét nghiệm chỉ được tiến hành khi người tiếp xúc với F0 có triệu chứng và được quản lý tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Bộ Y tế Nam Phi hướng dẫn những người mắc COVID-19 có thể kết thúc cách ly và trở lại làm việc sau 8-10 ngày tùy thuộc vào tình trạng bệnh và không yêu cầu xét nghiệm trước khi quay lại làm việc với những người đã hoàn thành việc cách ly
Italy: Người dưới 18 tuổi tiêm mũi vaccine tăng cường
Ngày 24/12, Bộ Y tế Italy đã cho phép những người 16-17 tuổi và những trẻ vị thành niên có thể trạng yếu, nguy cơ nhiễm bệnh cao, được tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 từ ngày 27/12 tới. Hiện nay, tại Italy chỉ những người trên 18 tuổi mới được phép tiêm mũi vaccine tăng cường.
Cơ quan Quản lý dược phẩm Italy (AIFA) sẽ ra quyết định về việc tiêm mũi vaccine tăng cường đại trà cho trẻ em từ 12-15 tuổi vào cuối tháng 1/2022. Đầu tháng này, Italy đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech với liều lượng bằng 1/3 liều của người lớn. Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa cho biết dự kiến sẽ có vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi vào khoảng tháng 3-4/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã điều chỉnh thời gian tối thiểu giữa lần tiêm mũi thứ 2 và liều tăng cường từ 5 tháng xuống còn 4 tháng.
Tổng thống Đức kêu gọi trách nhiệm của người dân
Trong bài phát biểu nhân lễ Giáng sinh 25/12, Tổng thống LB Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi người dân tin tưởng và thể hiện tinh thần trách nhiệm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh trong gần hai năm qua, đại dịch đã định hình lại cuộc sống của người dân Đức cũng như người dân trên khắp thế giới. Hiếm khi nào toàn thế giới phải đối mặt với sự nguy hiểm đe dọa cuộc sống của con người và tương lai không thể đoán trước được như vậy. Nhà nước Đức cũng hiếm khi đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân như vậy.
Tổng thống Steinmeier cảm ơn đại đa số người dân Đức, những người luôn cẩn thận trong phòng ngừa và thể hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống đại dịch nhiều tháng qua, vì họ đã nhận ra mình "phụ thuộc vào nhau nhiều hơn bao giờ hết". Ông cũng cảm ơn các nhà khoa học, bác sĩ, lực lượng thực thi pháp luật và các nhân viên văn phòng. Theo ông, "tất cả đều đã và đang cố gắng hết sức" vì mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc chiến cam go này.
Theo baotintuc.vn
- Ngày 25/12: Quảng Ninh có thêm 178 ca F0
- Ngày 25/12: Có 15.586 ca COVID-19, tròn 1 tuần Hà Nội liên tục mắc nhiều nhất
- Chiều 25/12: Việt Nam đã tiếp nhận 181,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19; Gần 98% dân số trên 18 tuổi tiêm mũi 1
- Sáng 25/12: Hơn 1,2 triệu ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; đã tiêm trên 2 triệu liều vaccine mũi 3
Liên kết website
Ý kiến ()