Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:36 (GMT +7)
COVID-19 tới 6h sáng 23/4: Ca mắc toàn cầu giảm 24%; Thượng Hải áp đặt biện pháp chống dịch mới
Thứ 7, 23/04/2022 | 07:51:44 [GMT +7] A A
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 646.000 ca mắc COVID-19 và 2.252 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 508 triệu ca, trong đó trên 6,23 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (104.331 ca), Pháp (88.389 ca) và Hàn Quốc (81.010 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (320 ca), Hàn Quốc (206 ca) và Italy (202 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,01 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 522.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 662.000 ca tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu giảm 24% trong tuần trước, tiếp tục đà giảm từ cuối tháng 3.
Theo cơ quan này, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong tuần từ 11-17/4 là gần 5,59 triệu ca. Số ca tử vong liên quan COVID-19 cũng giảm 21% còn 18.215 ca trong tuần trước.
WHO cho biết mọi khu vực đều ghi nhận số ca mắc giảm, riêng các nước châu Mỹ tỷ lệ giảm chỉ khoảng 2%. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý xu hướng giảm cần được tiếp cận, phân tích một cách thận trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược xét nghiệm virus SARS-CoV-2, làm giảm số lượt xét nghiệm, kéo theo số ca mắc COVID-19 được thống kê cũng giảm.
Các nước có số ca mắc mới cao nhất trong tuần qua là Hàn Quốc với hơn 972.000 ca, Pháp với hơn 827.000 ca và Đức là 769.000 ca. Trong khi đó, số ca tử vong được ghi nhận nhiều nhất tại Mỹ (3.076 ca), Nga (1.784 ca) và Hàn Quốc (1.671 ca).
Thượng Hải (Trung Quốc) triển khai các biện pháp chống dịch mới
Chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết ngày 22/4 bắt đầu triển khai hàng loạt chiến dịch nhằm chặn đứng tất cả các chuỗi lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng sớm nhất có thể.
Theo đó, Thượng Hải tiến hành các biện pháp kiểm soát cộng đồng theo từng cấp độ nhằm hạn chế các hoạt động đi lại và tập trung đông người. Thành phố này áp dụng nhiều chính sách khác nhau để sàng lọc và xét nghiệm COVID-19 tại các khu vực khác nhau. Thượng Hải đã phân chia các khu vực của thành phố theo từng cấp độ dịch, gồm khu vực bị đóng cửa, khu vực bị hạn chế và khu vực phòng ngừa. Đây là một trong những biện pháp nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hiện nay. Các chiến dịch khác mà Thượng Hải triển khai là điều tra dịch tễ học, cũng như vệ sinh và khử khuẩn.
Trong ngày 21/4, Thượng Hải đã ghi nhận 1.931 ca COVID-19 có triệu chứng và 15.698 ca không có triệu chứng.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính chung cả Trung Quốc đại lục trong ngày 21/4 có 2.119 ca bệnh có triệu chứng và 16.383 ca không có triệu chứng. Về số ca có triệu chứng, ngoài Thượng Hải còn có 63 khu vực cấp tỉnh khác thông báo có thêm các ca nhiễm mới, trong đó tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc, ghi nhận 63 ca, Bắc Kinh có 1 ca.
Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Trung Quốc đại lục đã tăng lên 4.674 người, sau khi có thêm 11 ca tử vong ngày 21/4, tất cả đều ở Thượng Hải.
Singapore nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh
Ngày 22/4, Lực lượng Đặc trách phòng, chống COVID-19 của Singapore (MTF) thông báo trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước có nhiều tín hiệu tích cực, nước này sẽ hạ mức độ cảnh báo dịch bệnh COVID-19 từ mức Da Cam (mức cảnh báo cao thứ hai, chỉ dưới mức cảnh báo cao nhất là Đỏ) xuống mức Vàng. Singapore đã áp đặt mức cảnh báo Da Cam từ ngày 7/2/2020, sau khi nước này ghi nhận tổng cộng 4 trường hợp mắc COVID-19 không rõ nguồn lây.
Cũng theo thông báo, từ ngày 26/4 tới, Singapore sẽ nới lỏng hơn nữa một loạt biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng, theo đó nước này sẽ dỡ bỏ quy định tụ tập tối đa 10 người một nhóm cũng như quy định tối đa 10 người đến nhà tại cùng một thời điểm. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc ở các địa điểm “mang tính khép kín” và trên các phương tiện giao thông công cộng (xe bus, tàu điện ngầm, xe taxi…) nhưng không bắt buộc ở ngoài trời.
Cũng từ ngày 26/4 tới, các quy định liên quan đến chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng sẽ được nới lỏng, ngoại trừ các sự kiện có từ 500 người tham dự trở lên, các cơ sở vui chơi giải trí về đêm, các nhà hàng, cửa hàng cafe và các trung tâm ăn, uống.
Ngoài ra, Singapore cũng sẽ chấm dứt việc áp dụng gửi Cảnh báo Nguy cơ sức khỏe (HRN) đối với những người có tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Người mắc COVID-19 sẽ không phải cung cấp thông tin của những người đã tiếp xúc gần với mình, thay vào đó họ được khuyến nghị thông báo cho những người đã tiếp xúc với mình để có biện pháp phòng ngừa.
Trong những tuần qua, số ca mắc COVID-19 trong 1 ngày tại Singapore đã liên tục giảm mạnh, trung bình dưới 3.100 ca mỗi ngày (so với con số 18.300 ca trước đó). Các trường hợp phải nhập viện cũng đã giảm từ mức 1.728 ca xuống còn 266 ca. Các ca bệnh nặng cũng giảm mạnh trong vòng 28 ngày qua, chỉ 0,03% các ca mắc COVID-19 phải chuyển tới phòng chăm sóc đặc biệt và cũng chỉ có 0,2% số người mắc cần thở oxy.
Malaysia dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc gần
Kể từ ngày 22/4, Malaysia sẽ dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Quy định mới cũng sẽ không còn phân biệt giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Thông báo của Bộ Y tế nước này cho biết những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 và có các triệu chứng bệnh được khuyến khích tự cách ly và xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh, và xét nghiệm một lần nữa 3 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. Theo Bộ trên, nếu kết quả xét nghiệm nhanh âm tính và các triệu chứng được cải thiện, không cần làm thêm xét nghiệm. Tuy nhiên, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa ít nhất 5 ngày sau khi tiếp xúc gần, gồm luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tránh nơi đông người, tránh gặp những người thuộc nhóm có nguy cơ cao và chỉ đi lại vì những nhu cầu thiết yếu.
Theo số liệu từ Bộ Y tế Malaysia, trong tuần này số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng giảm dần, với 5.988 ca trong ngày 21/4. Cùng ngày có 5 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong do căn bệnh này lên đến 35.470. Ngoài ra, hiện còn 56 ca đang phải điều trị tích cực.
Thái Lan bỏ yêu cầu xét nghiệm RT-PCR đối với du khách từ tháng 5
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 22/4 đã công bố những thay đổi lớn trong các quy định phòng chống dịch đối với người nhập cảnh, theo đó, từ ngày 1/5 tới bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR khi đến đối với du khách đã được tiêm chủng đầy đủ.
Kể từ đầu tháng 4 này, du khách nước ngoài và người Thái Lan về nước không cần phải làm xét nghiệm RT-PCR trước khi lên đường, nhưng vẫn phải làm xét nghiệm bằng phương pháp này sau khi nhập cảnh, kể cả những người đã tiêm chủng đầy đủ.
Ngành du lịch và các khách sạn ở Thái Lan đã liên tục kêu gọi Chính phủ bãi bỏ yêu cầu nói trên vì gánh nặng chi phí gia tăng khiến khách du lịch tìm đến các quốc gia khác có những quy định dễ dàng hơn.
Về tình hình COVID-19, sáng 22/4 Thái Lan ghi nhận 21.808 ca mắc mới cùng 128 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 4.128.038 ca, trong đó có 27.520 người không qua khỏi.
Đến nay, Thái Lan đã tiêm được 132,09 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến ngày 21/4, 80,6% dân số Thái Lan đã được tiêm một mũi vaccine, 73,1% được tiêm 2 mũi, trong khi 36,2% được tiêm mũi tăng cường.
Hàn Quốc tiếp tục nới lỏng các hạn chế
Ngày 22/4, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum thông báo bắt đầu từ tuần tới nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt để phòng dịch COVID-19. Theo đó, người dân sẽ được phép ăn uống trong các rạp chiếu phim, các phòng tập thể dục trong nhà, các địa điểm tôn giáo, tàu điện, tàu hỏa và xe buýt.
Phát biểu tại một cuộc họp ứng phó với COVID-19, ông Kim Boo-kyum cho biết số ca mắc mới trung bình theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm khoảng 40% so với một tuần trước đó, trong khi số ca bệnh nặng và tử vong cũng tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên, Thủ tướng Kim cảnh báo việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế không đồng nghĩa không còn nguy cơ lây nhiễm.
Từ ngày 18/4, Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế, chỉ duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Các doanh nghiệp nhỏ được phép hoạt động mà không bị hạn chế về thời gian và công suất; giới hạn tụ tập tối đa 10 người cũng được dỡ bỏ. Từ ngày 25/4, Hàn Quốc sẽ hạ cấp độ cảnh báo dịch bệnh xuống mức nghiêm trọng thứ 2 trong thang cảnh báo gồm 4 cấp độ, qua đó cho phép các bệnh nhân COVID-19 không phải thực hiện tự cách ly và có thể được điều trị tại các phòng khám địa phương, sớm nhất là từ cuối tháng 5 tới.
Bang NSW của Australia thay đổi phương thức báo cáo tình hình dịch bệnh
Bộ Y tế bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo từ ngày 25/4 tới sẽ thực hiện báo cáo tổng hợp hằng tuần về dịch COVID-19 thay vì báo cáo hằng ngày. Động thái này cho thấy NSW đang chuyển sang giai đoạn mới sống chung an toàn với đại dịch.
Cơ quan y tế bang đông nhất Australia thường công bố số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 hằng ngày vào lúc 9h sáng, trước khi công bố báo cáo phân tích chi tiết 2 giờ sau đó. Tuy nhiên, từ đầu tuần tới, sẽ không còn báo cáo phân tích hằng ngày. Thông tin dịch bệnh sẽ tiếp tục được cập nhật qua các tài khoản mạng xã hội và trang thông tin của Bộ Y tế bang vào mỗi buổi sáng, trong khi các phân tích chi tiết hơn sẽ được tổng hợp trong báo cáo hằng tuần.
Thông báo trên được đưa ra cùng ngày NSW nới lỏng hơn nữa các hạn chế được áp dụng phòng COVID-19, bao gồm quy định tự cách ly đối với người tiếp xúc gần với ca mắc, tuy nhiên những người này vẫn phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà, làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh hằng ngày và tránh các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 23/4, yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc đối với người lao động trong các ngành nghề chính, trừ dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật, cũng sẽ được dỡ bỏ.
Ngoài bang NSW, ba địa phương khác của Australia cũng đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với người tiếp xúc gần là Vùng Thủ đô Canberra, bang Queensland và Victoria.
Tính đến nay, hơn 95% dân số Australia từ 16 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 69% người đủ điều kiện đã được tiêm mũi tăng cường.
Italy kêu gọi duy trì quy định đeo khẩu trang nơi công cộng khép kín
Ngày 21/4, tổ chức y tế độc lập GIMBE của Italy đã kêu gọi Chính phủ nước này duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng khép kín, với lý do mức độ lây nhiễm dịch COVID-19 vẫn còn quá cao nên không thể dỡ bỏ quy định này.
Trong phát biểu khi công bố báo cáo giám sát dịch COVID-19 hàng tuần của GIMBE, Chủ tịch GIMBE Nino Cartabellotta nêu rõ: “Sự lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất cao. Hiện có ít nhất hơn 1,2 triệu người mắc COVID-19 tại Italy. Có hơn 50.000 ca mắc mới/ngày và tỷ lệ dương tính là hơn 15%. Do đó, việc bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín là một quyết định rất liều lĩnh".
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza kêu gọi người dân nước này không được mất cảnh giác với dịch COVID-19. Ông Speranza nói: “Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Chúng ta đã thoát khỏi tình trạng khẩn cấp (ngày 1/4) và đang ở trong một giai đoạn khác so với trước đây, nhưng virus vẫn chưa biến mất. Chúng ta không được hạ thấp cảnh giác. Cần thận trọng và tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm chủng”.
Quy định đeo khẩu trang sẽ hết hạn vào cuối tháng 4 tới, mặc dù Chính phủ Italy đã chỉ ra rằng quy định này có thể vẫn được duy trì, hoặc ít nhất là được khuyến nghị ở một số nơi, như trên các phương tiện giao thông công cộng.
Bồ Đào Nha dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang
Cùng ngày, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đã ban bố sắc lệnh của chính phủ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết mọi nơi.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido cho biết
Hội đồng Bộ trưởng nhất trí rằng tình hình hiện nay đã đáp ứng các điều kiện để dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang sẽ vẫn bị bắt buộc tại những nơi thường có người dễ tổn thương lai vãng đến như trung tâm dưỡng lão, các cơ sở y tế và trên các phương tiện vận tải công cộng.
Bộ trưởng Temido cho biết đại dịch COVID-19 hiện chưa chấm dứt, do vậy, các biện pháp hạn chế có thể sẽ lại thay đổi tùy theo nhu cầu trong tương lai./.
Nhiều quốc đảo Thái Bình Dương vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch
Samoa vừa siết chặt các hạn chế đi lại trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng. Trong khi đó, đảo quốc Thái Bình Dương khác là Vanuata đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại đảo Efate và quần đảo ngoài khơi.
Ngày 22/4, Bộ Y tế Samoa đã ban hành khuyến nghị đi lại được điều chỉnh, đồng thời kêu gọi tất cả du khách tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 trước khi nhập cảnh vào Samoa do tổng số ca bệnh tại đây hiện đã lên tới 7.000 ca.
Theo khuyến nghị mới nhất bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21/4, các khu vực biên giới của Samoa sẽ tiếp tục đóng cửa với tất cả các du khách, ngoại trừ công dân Samoa trở về nước và người lao động trong các ngành nghề thiết yếu.
Samoa ghi nhận ca đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tháng 2/2021. Cho đến nay, đã có 13 ca tử vong vì COVID-19 tại đảo quốc này. Ngày 19/4 vừa qua, Thủ tướng Samoa Naomi Mata'afa tuyên bố toàn bộ quốc gia này sẽ duy trì Cảnh báo cấp độ 2 trong vòng 2 tuần tới cho đến ngày 3/5.
Trong khi đó, tại Vanuatu - quốc gia khu vực Nam Thái Bình Dương khác, chính phủ đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại Efate và các quần đảo ngoài khơi.
Theo Tuyên bố Lệnh tình trạng khẩn cấp công cộng, du khách tới từ các nước như Fiji, Australia và New Zealand sẽ phải cách ly 3 ngày tại khách sạn hoặc tại một điểm cách ly trong cộng đồng hoặc một cơ sở cách ly khác nếu không lựa chọn khách sạn. Những du khách này sẽ phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) trong thời gian cách ly. Trong khi đó, các du khách quá cảnh từ các quốc gia hoặc châu lục ngoài Australia và New Zealand, như châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương khác, sẽ phải cách ly tại khách sạn trong vòng 7 ngày, đồng thời phải xét nghiệm RAT trong thời gian này theo đúng quy định.
Tính đến ngày 22/4, Vanuatu đã ghi nhận 6.537 ca mắc COVID-19, trong đó có 12 ca tử vong.
Cùng ngày, Chính phủ Fiji đã kêu gọi người dân duy trì thận trọng phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh hơn 64.000 người mắc COVID-19 và 862 người tử vong tại đảo quốc Thái Bình Dương này kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2020.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Fiji Parveen Bala nhấn mạnh người dân không được chủ quan, cần tiếp tục đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, cũng như tuân thủ các biện pháp an toàn phòng dịch.
Theo số liệu thống kê, 88% dân số trên 12 tuổi tại nước này đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 121.714 người đã được tiêm mũi tăng cường.
Brazil tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế
Ngày 22/4, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga đã chính thức thông báo quyết định chấm dứt giai đoạn khẩn cấp về y tế quốc gia được áp dụng tại quốc gia Nam Mỹ này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 2/2020.
Để đưa ra quyết định trên, Bộ Y tế đã đã xem xét và đánh giá về khả năng phản ứng của hệ thống y tế công cộng, những thay đổi tích cực của tình hình dịch tễ trên cả nước, cũng như những kết quả tích cực của chiến dịch tiêm vaccine quốc gia. Quyết định trên sẽ có hiệu lực 30 ngày sau khi được đăng tải trên tờ Công báo.
Thông cáo của Bộ Y tế Brazil cho biết, trong thời gian gần đây nước nay ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới và tử vong giảm tới hơn 80% so với giai đoạn đỉnh dịch hồi đầu năm nay khi xuất hiện biến thể Omicron. Hiện số ca bệnh nặng phải điều trị tại các cơ sở y tế cũng giảm mạnh.
Cùng với đó, một yếu tố quan trọng giúp hạn chế tình trạng lây bệnh chính là chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện đã có gần 81% dân số Brazil đã được tiêm ít nhất là một mũi vaccine và 74% dân số đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine cơ bản. Ngoài ra, khoảng 74 triệu người đã được tiêm mũi vaccine tăng cường.
Mặc dù vậy, Bộ Y tế vẫn tiếp tục khuyến cáo về tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vaccine ngay cả khi chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế vì cho rằng đây là yếu tố tiên quyết để có thể kiểm soát được dịch bệnh về lâu dài.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()