Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:18 (GMT +7)
COVID-19 thế giới tuần qua: Thêm 3,2 triệu ca mắc; WHO coi trọng vaccine ở giai đoạn nước rút
Thứ 7, 17/09/2022 | 12:00:00 [GMT +7] A A
Trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 11 đến ngày 17/9, thế giới ghi nhận 3,2 triệu ca mắc và 11.460 ca tử vong vì COVID-19. Số ca mắc giảm 12%, còn số ca tử vong giảm 10% trên toàn cầu so với tuần trước đó.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 9 giờ 30 sáng 17/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu từ đầu đại dịch là trên 616,5 triệu ca, trong đó có 6,5 triệu người tử vong.
Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong tuần qua (605.919 ca mắc). Tiếp đó là Hàn Quốc với trên 382.353 ca mắc. Đứng thứ ba là Hàn Quốc với trên 363.744 ca mắc trong tuần qua.
Trong khi đó, Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới trong tuần qua (2.050 ca). Tiếp đó là Nhật Bản với 1.246 ca; Nga với 672 ca.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với 97,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,07 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 44,5 triệu ca mắc và trên 528.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Pháp với trên 34,8 triệu ca mắc và trên 685.000 ca tử vong.
WHO nhấn mạnh vai trò của vaccine trong giai đoạn "nước rút" chống dịch
Trong bản báo cáo COVID-19 hằng tuần mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trong tuần gần nhất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 khi tổ chức này tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Dù cho rằng đây là đánh giá tích cực nhất về tình hình dịch bệnh sau hơn 2 năm bùng phát nhưng WHO một lần nữa kêu gọi các nước duy trì cảnh giác, nhấn mạnh vai trò của vaccine phòng bệnh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ví cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay giống như cuộc chạy marathon và đây là giai đoạn nước rút, là lúc thế giới phải chạy nhanh hơn để đảm bảo có thể cán đích và đạt thành quả sau thời gian dài nỗ lực. Theo ông, các quốc gia cần cẩn trọng xem xét và củng cố các chính sách phòng COVID-19 cũng như những dịch bệnh vì virus khác gây ra trong tương lai. Ông Tedros kêu gọi các nước tiêm phòng 100% cho các nhóm nguy cơ cao và duy trì xét nghiệm phát hiện ca bệnh. Các quốc gia cũng cần duy trì nguồn cung trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực y tế phù hợp.
Trong khi đó, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm của WHO, Maria Van Kerkhove, cho biết thế giới sẽ còn trải qua các làn sóng lây nhiễm khác tại những thời điểm khác nhau, do các biến thể hoặc dòng phụ của biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra. Làn sóng COVID-19 mùa Hè vừa qua do dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc, virus vẫn đang lây lan ở châu Âu và nhiều nơi khác. Đồng thời, bà nhấn mạnh thế giới đã có công cụ phòng chống dịch quan trọng là vaccine và các phương thức điều trị bệnh.
Tiến sĩ Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp từ Đại học Southampton (Mỹ) cho rằng nói một cách công bằng thì hầu hết các quốc gia đều đang bước qua giai đoạn ứng phó khẩn cấp với đại dịch và các chính phủ đang cân nhắc cách tốt nhất để ứng phó với COVID-19 bằng những hoạt động chăm sóc y tế và giám sát thông thường.
Thời gian gần đây, việc tiêm vaccine phòng bệnh, cụ thể là tiêm liều tăng cường, đang được chú trọng tại nhiều quốc gia, trong đó Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ đều đã cấp phép sử dụng các loại vaccine có hiệu quả với virus gốc và biến thể Omicron để chuẩn bị cho các chiến dịch tiêm mũi tăng cường vào mùa Đông. Tại Mỹ, các chuyên gia Mỹ cũng tin tưởng lần gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng vì dịch COVID-19 dự kiến vào giữa tháng 10 tới có thể sẽ là lần cuối Washington phải áp dụng biện pháp này. Các quan chức Mỹ nhận định dù đại dịch COVID-19 chưa qua đi những những thế hệ vaccine mới đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch. Việc tiêm nhắc lại vaccine hằng năm sẽ tăng khả năng miễn dịch đủ để đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường.
Ngày 14/9, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19.
Lãnh đạo WHO cho biết số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 hằng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 và ông kêu gọi thế giới nắm lấy cơ hội để chấm dứt đại dịch. Ông nhấn mạnh hiện đang là thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19 và mục tiêu này hoàn toàn trong tầm tay. Ông kêu gọi thế giới duy trì những nỗ lực phòng chống đại dịch vốn đã khiến hơn 6 triệu người thiệt mạng.
Dù cho rằng sẽ có những làn sóng lây nhiễm trong tương lai nhưng các quan chức WHO khẳng định thế giới đã có trong tay những công cụ như vaccine phòng bệnh, thuốc chữa bệnh để ngăn chặn bệnh trở nặng.
Trên 14,6 triệu trẻ em Mỹ mắc COVID-19
Trên 14,6 triệu trẻ em Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 kể từ đầu đại dịch. Con số này được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Viện hàn lâm nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện nhi.
Theo báo cáo, trên 340.000 ca trong số này mắc mới COVID-19 trong 4 tuần qua và khoảng 6,7 triệu ca được ghi nhận trong năm 2022. Trong tuần kết thúc ngày 8/9, khoảng 83.000 trẻ em tại Mỹ được ghi nhận mắc mới COVID-19, tuy nhiên số ca được báo cáo có thể thấp hơn đáng kể so với con số thực tế.
Báo cáo cho rằng cần khẩn cấp thu thập thêm dữ liệu theo độ tuổi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của COVID-19 liên quan các biến thể mới của virus gây bệnh cũng như các tác động dài hạn có thể có.
Báo cáo nhấn mạnh cần thừa nhận tác động tức thời của đại dịch đối với sức khỏe trẻ em, tuy nhiên điều quan trọng là cần xác định và giải quyết tác động lâu dài đối với sức khỏe thể chất, tâm thần và xã hội của thế hệ trẻ em và thanh niên hiện nay.
Nga hoàn tất thử nghiệm vaccine CoviVac với người trên 60 tuổi
Ông Konstantin Chernov, Giám đốc phát triển của Trung tâm Chumakov, cho biết cơ quan này đã hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine CoviVac ngừa COVID-19 đối với những người từ 60 tuổi trở lên và các tài liệu liên quan đang được Bộ Y tế Nga đánh giá.
Ông Chernov cho biết thông tin trên khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn TASS. Khi được hỏi về sự công nhận quốc tế đối với vaccine CoviVac, ông Chernov cho hay “mọi việc đang diễn tiến thuận lợi". Theo ông, Trung tâm Chumakov đang chuẩn bị những thủ tục đăng ký vaccine theo quy định và dự kiến sẽ trình lên WHO trong thời gian tới.
Trước đó, hồi tháng 10/2021, Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho Trung tâm Chumakov tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine CoviVac ngừa COVID-19 đối với 250 tình nguyện viên.
Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa COVID-19, theo đó vaccine Sputnik V được đăng ký vào tháng 8/2020. Kể từ đó đến nay, Nga đã bào chế và phát triển thêm các loại vaccine khác ngừa COVID-19, trong đó ngoài vaccine CoviVac nói trên còn có vaccine EpiVacCorona.
Italy ưu tiên tiêm vaccine liều tăng cường cho đối tượng trên 60 tuổi
Ngày 14/9, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Italy (AIFA) đã phê duyệt những vaccine sửa đổi chống lại các biến thể mới Omicron 4 và 5 sẽ ưu tiên các trường hợp có nguy cơ và những người trên 60 tuổi.
Trong một thông báo, AIFA cho biết vaccine ngừa COVID-19 liều tăng cường sẽ ưu tiên những trường hợp có nguy cơ phát triển những bệnh nghiêm trọng, tuy nhiên, tất cả người dân đều có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều nhắc lại theo chỉ định của bác sĩ hoặc tự lựa chọn.
Theo AIFA, tại thời điểm hiện tại, không có yếu tố nào cho thấy đánh giá ưu biệt đối với mỗi loại vaccine mới chống biến thể phụ BA.1 và BA.4 và BA.5. AIFA khẳng định: “Tất cả đều tăng khả năng bảo vệ chống lại các biến thể khác nhau và giúp duy trì sự bảo vệ tối ưu chống lại COVID-19”. Theo đó, AIFA khuyến cáo vaccine chống biến thể BA.1 và BA.4 và BA.5 được khuyến khích ưu tiên cho những trường hợp trên 60 tuổi và những người có nguy cơ.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế, tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu đại dịch là 22.096.450 trường hợp, và ngày 14/9 vẫn ghi nhận 18.854 ca mắc mới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc, trước đó, ngày 9/9, Bộ Y tế cũng đã ban hành chiến dịch tiêm chủng mới bắt đầu triển khai vào mùa Thu Đông, với việc sử dụng các loại vaccine mới của Pfizer và Moderna được điều chỉnh chống lại các biến thể mới.
Dự kiến khoảng 19 triệu liều vaccine mới sẽ được triển khai trong tháng 9, trong đó đối tượng được phép tiêm chủng ở độ tuổi 12 tuổi và việc tiêm vaccine trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khuyến cáo đối tượng ưu tiên là những trường hợp trên 60 tuổi, người già yếu, nhân viên y tế, và phụ nữ mang thai.
Nhật Bản tìm cách cân bằng mục tiêu kiểm soát dịch và phục hồi du lịch
Ngày 12/9, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh cần phải cân bằng giữa việc mở cửa đón du khách nước ngoài và đảm bảo kiểm soát dịch COVID-19 trong nước, trong bối cảnh quốc gia này đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do vắng bóng khách du lịch.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết chính phủ sẽ cân nhắc cách thức nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, theo đó "duy trì ngăn chặn dịch bệnh lây lan đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế và xã hội".
Ông Matsuno cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra các quyết định phù hợp dựa trên tình hình bệnh dịch trong và ngoài nước, cũng như nhu cầu của du khách và các biện pháp kiểm soát biên giới được các nền kinh tế lớn khác áp dụng.
Trước đó, ngày 11/9, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Seiji Kihara đã có phát biểu trên truyền hình, cho biết chính phủ đang cân nhắc và có khả năng sẽ loại bỏ biện pháp kiểm soát biên giới đang được áp dụng, theo đó giới hạn số người nhập cảnh hằng ngày không quá 50.000 người. Theo ông Kihara, chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida có thể sẽ nới lỏng cả các quy định khác như các yêu cầu đối với thị thực nhập cảnh theo diện du lịch.
Hôm 7/9, Nhật Bản đã nâng giới hạn số người nhập cảnh mỗi ngày từ mức 20.000 người lên 50.000 người. Bên cạnh đó, những du khách nhập cảnh đã tiêm ít nhất 3 mũi vaccine không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong 72 giờ kể từ khi khởi hành và không cần xuất trình xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho kinh tế Nhật Bản. Trong giai đoạn 2013-2019, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản đã liên tục phá đỉnh và đạt mức cao nhất là 31,88 triệu lượt khách vào năm 2019. Tuy nhiên, trong năm 2021 chỉ có 245.900 lượt du khách nước ngoài đến Nhật Bản, mức thấp nhất kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 1964.
Nền kinh tế Nhật Bản trong quý từ tháng 4 đến tháng 6/2022 đã phục hồi trở lại quy mô trước đại dịch, với mức tăng trưởng hằng năm đạt 3,5% so với 1 quý trước đó. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng triển vọng kinh tế của quốc gia này vẫn ảm đạm do dịch bệnh bùng phát trở lại và phí sinh hoạt gia tăng tạo gánh nặng đối với người tiêu dùng.
Malaysia lên kế hoạch ứng phó các biến thể của virus SARS-CoV-2
Chính phủ Malaysia đã đặt mua vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới có khả năng kiềm chế các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Trao đổi với báo giới ngày 13/9, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết nước này đã đặt hàng hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và cơ chế COVAX (cơ chế bảo đảm tiếp cận vaccine toàn cầu). Theo ông Khairy, với lô vaccine thế hệ mới này, chính phủ sẽ không tổ chức tiêm đại trà, thay vào đó sẽ tập trung tiêm miễn phí cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Đề cập việc Malaysia dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín kể từ ngày 7/9 vừa qua, Bộ trưởng Khairy Jamaluddin cho biết từ nhiều tháng trước, chính phủ đã chỉ đạo Cục An toàn sức khỏe lắp đặt lại hệ thống thông gió trong các tòa nhà văn phòng và không gian kín để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
COVID-19 vẫn là mối đe dọa ở châu Phi
Đại dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa đối với các nước châu Phi do tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh thấp. Quyền Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) châu Phi Ahmed Ogwell Ouma đã đưa ra cảnh báo trên ngày 15/9.
Quyền Giám đốc CDC châu Phi nêu rõ virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan và với tỷ lệ tiêm vaccine thấp hiện nay, đại dịch vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với các nước châu Phi. Ông cho biết hiện mới chỉ có khoảng 22% dân số châu lục này đã tiêm đủ mũi vaccine cơ bản ngừa COVID-19. CDC châu Phi đang tập trung tăng tỷ lệ này thay vì mua thêm các loại vaccine mới có khả năng ngăn ngừa các biến thể nguy hiểm như Omicron.
Các nước châu Phi đang nỗ lực để sớm có được nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh các nước giàu tích trữ vaccine và hoạt động logistic thời gian gần đây không thực sự thuận lợi.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()