Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:37 (GMT +7)
COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm ở Đông Nam Á
Thứ 3, 17/08/2021 | 07:53:02 [GMT +7] A A
Thái Lan tiếp tục áp dụng biện pháp phong tỏa tại 29 tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19 tới cuối tháng 8. Indonesia từ vị trí 14 lên 13 trên thế giới về tổng số ca nhiễm.
Ngày 16-8, Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan xác nhận nước này sẽ kéo dài biện pháp phong tỏa với 29 tỉnh thành tới ngày 31-8 do số ca bệnh COVID-19 ở xứ sở chùa vàng tiếp tục tăng cao, theo báo Bangkok Post.
Đây đều là những tỉnh thành (gồm thủ đô Bangkok) đang chịu ảnh hưởng nặng nhất do làn sóng dịch thứ 3 ở Thái Lan. Những nơi này được xếp vào vùng "đỏ đậm".
Tuy nhiên, Thái Lan sẽ nới lỏng biện pháp hạn chế áp dụng với các chi nhánh ngân hàng và những dịch vụ tài chính khác hoạt động trong các trung tâm mua sắm. Họ sẽ được phép mở lại từ ngày 18-8 tới cuối tháng này.
Đầu ngày 16-8, Thái Lan cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 21.157 ca nhiễm và 182 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong từ đầu dịch lên lần lượt 928.314 ca và 7.734 ca.
Trong khi đó, ngày 16-8, Philippines công bố ghi nhận 14.610 ca và đây là số ca nhiễm tăng thêm trong ngày cao thứ ba từ đầu dịch ở nước này. Còn số ca nhiễm trong ngày 16-8 ở Malaysia là 19.740 ca, giảm sau 5 ngày liên tiếp đều trên 20.000 ca/ngày.
Cùng ngày, Indonesia công bố ghi nhận thêm 17.384 ca nhiễm và 29.925 ca phục hồi trong 24 giờ. Từ vị trí 14 trong nhiều ngày, giờ đây Indonesia đã lên vị trí 13 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm cao nhất thế giới, với tổng cộng 3,87 triệu ca.
Trong thông điệp quốc gia hằng năm đọc tại Quốc hội Indonesia ngày 16-8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh cần đạt được sự cân bằng giữa sức khỏe của người dân và lợi ích kinh tế.
"Đại dịch COVID-19 thật sự đã làm chậm đáng kể tăng trưởng kinh tế của chúng ta. Tuy nhiên, không được để dịch bệnh cản trở tiến trình cải cách cơ cấu nền kinh tế của chúng ta. Điều chúng ta cần làm là tìm cách kết hợp tốt nhất giữa sức khỏe của công chúng và lợi ích kinh tế" - ông Widodo phát biểu.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này thoát khỏi suy thoái trong quý 2 vừa qua (tháng 4 tới tháng 6), với tăng trưởng GDP đạt 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới và các biện pháp hạn chế đi lại đang đe dọa đà phục hồi của nước này trong quý 3.
Theo cập nhật của trang Worldometers về tổng số ca nhiễm ở các nước Đông Nam Á lúc 20h30 ngày 16-8, Indonesia có 3,87 triệu ca, Philippines có 1,75 triệu ca, Malaysia có 1,42 triệu ca, Thái Lan có 928.314 ca, Myanmar có 354.279 ca, Campuchia có 86.041 ca, Singapore có 66.225 ca, Lào có 10.441 ca, Brunei có 787 ca nhiễm.
Tại Trung Quốc, nước này ghi nhận 3 ca nhiễm mới không có triệu chứng ở thành phố Alashankou (A Lạp Sơn Khẩu) thuộc khu tự trị Tân Cương dù những người này không rời khỏi Tân Cương trong 2 tuần qua. Kết quả xét nghiệm với 498.879 người được lấy mẫu tính tại đây tính đến 8h sáng 16-8 đều âm tính.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()