Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:58 (GMT +7)
Công ty Việt Á được giúp sức 'chiếm đoạt' đề tài của Nhà nước để lập công trạng
Thứ 7, 19/08/2023 | 15:29:21 [GMT +7] A A
Các cá nhân tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sai phạm, như: Tự ý đưa Công ty Việt Á tham gia phối hợp thực hiện đề tài; khen thưởng và đề nghị khen thưởng cho Việt Á không đúng đối tượng, thành tích, công trạng; thông tin tuyên truyền không đúng sự thật, giúp hỗ trợ truyền thông, quảng bá hình ảnh cho kit test xét nghiệm và Công ty Việt Á…
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 38 bị can trong vụ án Việt Á về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”…
Căn cứ kết quả điều tra, C03 đủ cơ sở xác định trong quá trình nghiệm thu, chuyển giao; thông tin tuyên truyền và khen thưởng đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test xét nghiệm, các cá nhân tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sai phạm, như: Tự ý đưa Công ty Việt Á tham gia phối hợp thực hiện đề tài; khen thưởng và đề nghị khen thưởng cho Việt Á không đúng đối tượng, thành tích, công trạng; thông tin tuyên truyền không đúng sự thật, giúp hỗ trợ truyền thông, quảng bá hình ảnh cho kit test xét nghiệm và Công ty Việt Á…
“Các hành vi nêu trên tạo điều kiện để Công ty Việt Á biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, thành sản phẩm thuộc sở hữu của công ty; sản xuất thương mại hóa thu lời bất chính, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước, với số tiền 18,98 tỷ đồng", kết luận nêu.
Trong vụ án, ông Chu Ngọc Anh, bị cáo buộc với vai trò Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, dù biết rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài thuộc Nhà nước, song bị can vẫn để Bộ tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí về kết quả nghiên cứu và cấp phép test xét nghiệm là sản phẩm của đề tài cho Công ty Việt Á; trực tiếp ký quyết định khen thưởng, ký tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen Công ty Việt Á và chỉ đạo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ ký công văn gửi UBND TPHCM đề nghị giúp Công ty được tặng Huân chương Lao động hạng ba không đúng đối tượng, không đúng công trạng, thành tích.
Đổi lại, ông Chu Ngọc Anh hưởng lợi 200.000 USD (tương đương hơn 4,6 tỷ đồng) do Phan Quốc Việt đưa. Số tiền này C03 xác định là yếu tố “vì vụ lợi”.
Tương tự, bị can Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bị C03 cáo buộc biết Công ty Việt Á quản lý, khai thác và sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài sản xuất test xét nghiệm; được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, đưa vào sản xuất thương mại phục vụ phòng, chống dịch không đúng quy định, nhưng bị can không thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý theo luật mà ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài, đề nghị Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test.
Sai phạm của ông Tạc tạo điều kiện để Công ty Việt Á sử dụng biên bản nghiệm thu lập hồ sơ đăng ký và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test trái pháp luật…
Ông Tạc được hưởng lợi 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng) do Phan Quốc Việt đưa.
Trong khi, bị can Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, “thông đồng” với Phan Quốc Việt tự ý tiếp nhận đề xuất của Học viện Quân y, làm các thủ tục trình Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ký quyết định phê duyệt đề tài, giao trực tiếp cho Học viện Quân y chủ trì, đưa Công ty Việt Á làm đơn vị phối hợp thực hiện.
Hành vi của Trịnh Thanh Hùng giúp Việt Á trở thành đơn vị nghiên cứu sáng tạo và sở hữu đề tài; để cho Việt Á sử dụng kết quả nghiên cứu lập hồ sơ đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm, sản xuất kinh doanh, thu lời bất chính...
Từ sự giúp đỡ của mình, Trịnh Thanh Hùng được Phan Quốc Việt đưa hối lộ 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng).
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()