"Người đầu tiên được cấy chip não bởi Neuralink vào hôm qua đang có sự phục hồi tốt", Elon Musk đăng trên X sáng 30/1 (giờ Hà Nội). "Kết quả ban đầu cho thấy khả năng phát hiện đột biến tế bào thần kinh đầy hứa hẹn".
Đây là lần đầu Musk nhắc đến kết quả thử nghiệm kể từ tháng 5 năm ngoái, sau khi Neuralink được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt việc đưa chip vào não người. "Đây là khởi đầu quan trọng cho tương lai, khi công nghệ của chúng tôi sẽ được ứng dụng để giúp đỡ nhiều người hơn", Neuralink viết trên X ngày 25/5/2023 và được Musk chia sẻ lại cùng lời nhắn: "Chúc mừng đội ngũ".
Thời gian qua, Neuralink đã tìm kiếm tình nguyện viên. Ngày 19/9/2023, công ty cho biết vượt qua bài kiểm tra từ hội đồng đánh giá độc lập gồm các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành tại Mỹ, qua đó được phép thử nghiệm cấy chip lên người bại liệt.
Hai tháng sau, Ashlee Vance, người viết tiểu sử đầu tiên cho Musk năm 2015, cho biết hàng nghìn người đã đăng ký tham gia thử nghiệm của Neuralink. "Dù thu hút sự quan tâm, công ty vẫn chưa tìm được người phù hợp đầu tiên", Vance nói khi đó.
Theo Reuters, với công bố từ chính Elon Musk, Neuralink có thể đã tìm được người cấy ghép chip. Tuy nhiên, công ty từ chối bình luận khi được trang này liên hệ.
Trước đó, Ashlee Vance mô tả khi gắn chip não, bác sĩ phải mất vài giờ để thực hiện ca phẫu thuật cắt hộp sọ, sau đó cần 25 phút để robot đưa thiết bị vào cùng với bộ phận chip siêu mỏng gồm khoảng 64 sợi khác nhau. Các sợi mỏng đến mức chỉ bằng 1/14 chiều rộng của một sợi tóc người.
Neuralink được Musk đồng sáng lập năm 2016 cùng 7 thành viên khác, nhưng đa số đã rời đi. Mục tiêu của công ty là phát triển thành công giao diện não - máy tính để cho phép con người hợp nhất với AI trong tương lai. Tuy nhiên, công ty hiện đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các công ty khởi nghiệp như Synchron và Onward. "Musk cảnh báo Neuralink phải tăng tốc giống như cách thế giới đối phó với ngày tận thế", Vance nói.
Ý kiến ()