Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 02:52 (GMT +7)
Công trình đầu tư đội vốn gấp gần 3 lần: Cần phải xem xét trách nhiệm
Thứ 7, 24/07/2021 | 22:39:53 [GMT +7] A A
Theo đề xuất của đại biểu Quốc hội, để giải quyết tình trạng dự án tăng vốn đầu tư nhiều lần thì cần chỉ rõ đâu ra nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan để khắc phục trong thời gian tới.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Khẳng định có công trình tổng mức đầu tư tăng lên gần gấp 3 lần, tại phiên thảo luận tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 diễn ra trong ngày 24/7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng cần phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
Nhiều dự án đội vốn, không hiệu quả
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho biết trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến giai đoạn 2021-2025 đã nêu những hạn chế trong thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn vừa qua.
“Một trong những hạn chế nổi bật là các công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn cho nên không cân đối nguồn lực nguồn vốn đầu tư. Thậm chí, có công trình tổng mức đầu tư tăng lên gần gấp 3 lần,” bà Nga nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đây là việc phổ biến, do đó cần phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
“Nếu đã chỉ ra việc liên tục phải tăng vốn đầu tư thì trách nhiệm của các cơ quan nằm ở đâu? Nguyên nhân là gì? Do năng lực thành lập dự án quá kém của chủ đầu tư hay là do các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập?” bà Nga đặt câu hỏi và nêu quan điểm rằng “nếu do cơ chế, chính sách thì xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi.”
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng bày tỏ băn khoăn trước việc điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư. Theo bà, phải chăng do lập dự án quá sơ sài mà vội vàng quyết định để dẫn đến tình trạng khi bắt tay vào thực hiện rất nhiều lần các dự án phải điều chỉnh thì cuối cùng tổng mức đầu tư tăng lên rất nhiều; hay do sự phối hợp của các Bộ ngành, các địa phương chưa đồng bộ?
“Chúng ta phải chỉ rõ đâu ra nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan để khắc phục trình trạng này trong thời gian tới. Nếu không giải quyết dứt điểm việc này mà phân bổ vốn đầu tư công trung hạn sau rồi lại phải liên tục điều chỉnh sẽ vẫn diễn ra,” bà Việt Nga nhấn mạnh.
Cùng thảo luận về nội dung trên, Trung tướng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội đoàn Lai Châu cho biết điều ông băn khoăn là việc giải ngân vốn đầu tư tồn đọng và chuyển sang nhiệm kỳ sau rất nhiều, đặc biệt là ở Bộ Giao thông.
Theo Trung tướng Trần Hồng Minh, nút thắt dẫn tới việc tồn đọng giải ngân vốn đầu tư nêu trên là do trình tự thủ tục về đầu tư công còn “lòng vòng,” trải qua nhiều bước rất mất thời gian.
Dẫn ví dụ từ quy trình của một tư vấn, đại biểu Trần Hồng Minh cho hay: Ngày xưa làm, 1 người tư vấn làm gộp lại từ A đến Z, bởi để dự án chính xác về số liệu thì thường tư vấn phải làm từ bước đầu; phải làm các thiết kế chi tiết để đảm bảo tính chính xác. Còn hiện nay, quy trình để triển khai dự án phải trải qua rất nhiều bước, từ việc xin chủ trương đầu tư, sau đó là đấu thầu, lập dự án, phê duyệt dự án, dự toán thi công và các bước khác về sau...
“Chỉ cộng lại cá quy trình trong các Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công để thực hiện các nội dung này thì ở cấp huyện thì mất gần 1 năm. Ngay trong báo cáo của Trung ương thì Bộ Giao thông và một số địa phương phản ánh khoảng 2,5 năm cho đến 3 năm mới xong thủ tục đầu tư,” đại biểu Trần Hồng Minh nói.
Góp thêm ý kiến, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng lãng phí trong đầu tư công là vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ. Trong năm qua, nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, kéo dài. Đây là vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới.
Chính phủ tìm giải pháp khắc phục
Trong khi đó, thảo luận tại tổ về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết hiện chúng ta đã hoàn thiện thể chế trong vấn đề này song “ai cũng thấy có những cái còn lãng phí.”
Nhấn mạnh thêm về việc nhiều dự án đầu tư còn kéo dài, gây lãng phí, Thủ tướng cho hay: “Sáng nay, khi thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, các đồng chí nói rất đúng. Trong đánh giá của Chính phủ cũng như thẩm tra của các ủy ban đều khẳng định các dự án chia cắt, manh mún, kéo dài.
“Chính phủ cũng đang suy nghĩ về giải pháp khắc phục,” Thủ tướng nói và cho biết số vốn đầu tư công 5 năm tới là 2,87 triệu tỷ đồng là “chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của các địa phương, bộ, ngành đưa lên” vì ngành nào, địa phương nào cũng muốn có các dự án.
“Tôi nhớ năm 2011 là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, khi đó Hội đồng Nhân dân rà soát lại, có 3.650 dự án mà đầu tư phát triển chỉ có 3.000 tỷ đồng, tức là một dự án chưa được 1 tỉ đồng. Nó manh mún, chia cắt, không được cái gì lớn. Quan trọng nhất là kéo dài và hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) rất lớn,” Thủ tướng nói và cho rằng đây chính là việc làm lãng phí nguồn lực.
Đề cập đến giải pháp, theo Thủ tướng, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội đồng thời kiểm soát tiến độ công trình, rà soát dự án đầu tư, đổi mới lãnh đạo chỉ đạo... “Đó là giải pháp để ta cải tiến được đầu tư chậm trễ, lãng phí,” Thủ tướng nói.
Riêng với xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ cho biết hời gian tới sẽ yêu cầu tập trung rà soát vướng mắc, tồn đọng, chỉ rõ vướng chỗ nào, quy định nào để làm căn cứ sửa đổi. Cùng với đó là phân cấp, giao cho người đứng đầu là các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định việc đầu tư cho xây dựng pháp luật cần phải cải tiến hơn cho phù hợp, xây dựng nguồn lực con người gồm các chuyên gia, cán bộ về pháp luật, những nhà hoạt động thực tiễn.../.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()